Liên hợp quốc lập chức danh báo cáo viên đặc biệt về Afghanistan

Báo cáo viên có nhiệm kỳ hoạt động 12 tháng, sẽ chịu trách nhiệm theo dõi tình hình nhân quyền tại Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quyền lực và đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện tình hình.
Người dân Afghanistan tuần hành phản đối Taliban nhân 102 năm Ngày Độc lập tại Kabul, ngày 19/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/10, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lập chức danh báo cáo viên đặc biệt về Afghanistan.

Báo cáo viên có nhiệm kỳ hoạt động 12 tháng, sẽ chịu trách nhiệm theo dõi tình hình nhân quyền tại Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quyền lực và đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện tình hình.

Trong số 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, 28 nước bỏ phiếu ủng hộ, 14 nước bỏ phiếu trắng. Có 5 nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Trung Quốc, Pakistan, Venezuela và Eritrea.

[Nga thông báo thời điểm tổ chức hội nghị quốc tế về Afghanistan]

Nghị quyết của hội đồng lên án tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, như hôn nhân cưỡng ép, đồng thời kêu gọi một chính phủ đại diện và mang tính bao trùm. Báo cáo viên sẽ trình báo cáo bằng văn bản lên hội đồng trong vòng 1 năm.

Đại diện EU tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), bà Lotte Knudsen cho biết EU đặc biệt quan ngại về tình trạng xâm phạm các quyền của phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan, đồng thời cho rằng việc Hội đồng Nhân quyền thông qua nghị quyết là bước đi không thể thiếu nhằm giúp ngăn chặn tình hình nhân quyền xấu đi tại quốc gia Tây Nam Á này.

Kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan ngày 15/8, Taliban đã tìm cách thuyết phục người dân Afghanistan cũng như thế giới rằng chính quyền mới sẽ áp dụng các quy định quản lý nhà nước mềm dẻo hơn giai đoạn lực lượng này nắm quyền năm 1996-2001./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục