Ngày 31/8, vòng đàm phán mới nhất về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã được khởi động tại thành phố Bonn của Đức.
Cuộc đàm phán trên diễn ra 3 tháng trước khi chính phủ các nước phải hoàn tất một hiệp định về ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-21) được tổ chức vào cuối năm nay tại Paris (Pháp).
Dự kiến, tại vòng đàm phán kéo dài 1 tuần lần này, các nhà thương thuyết sẽ tập trung thảo luận về bản dự thảo kế hoạch chi tiết vốn đã được thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 2 vừa qua.
Bản dự thảo dài 86 trang với nhiều sáng kiến hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu đã nhận được sự hoan nghênh từ các bên đàm phán và giới quan sát, được đánh giá là một bước quan trọng nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên cũng như tạo đà cho việc hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mới.
Phát biểu trước đại biểu các nước tham gia đàm phán, Thư ký điều hành Hội nghị bộ trưởng các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Christiana Figueres, lưu ý hiện ngân quỹ dành cho việc tổ chức COP-21 sẽ diễn ra từ ngày 30/11-11/12 tới, cũng như phiên đàm phán cuối cùng vào tháng 10 tới đang bị thiếu 1,2 triệu euro (1,3 triệu USD). Bà kêu gọi các nước tham gia cần có những đóng góp tài chính để có thể hoàn thành được thời gian biểu đã đặt ra nhằm hướng tới việc đạt được một hiệp định tổng quan và tham vọng tại Paris, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Hiện các quan chức Liên hợp quốc đều tỏ ra lạc quan về cuộc đàm phán lần này bởi hầu hết các nền kinh tế phát triển đã trình các kế hoạch quốc gia trong việc giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau 2020, khi hiệp ước toàn cầu mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, giới quan sát cũng lo ngại sẽ không có đủ thời gian để các nước thu hẹp các bất đồng trong những vấn đề "gai góc", gây cản trở cho việc đạt được một thỏa thuận khí hậu trong tương lai. Hiện các nước vẫn bất đồng về việc phân chia trách nhiệm cắt giảm lượng khí phát thải CO2 giữa các nước giàu - vốn có lượng khí thải cao - và các nước đang phát triển.
Các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, Trái Đất sẽ ngày càng nóng lên và con người sẽ đứng trước các thảm họa lụt, bão, hạn hán và nước biển dâng cao. Theo Tổ chức Khí tượng học thế giới, năm 2014 là năm nóng kỷ lục, một phần do Trái Đất tiếp tục nóng lên./.