Ngày 20/12, Liên hợp quốc đã phát động chiến dịch đóng góp viện trợ 547 triệu USD cho 1,6 triệu người ở các vùng lãnh thổ Palestine trong năm 2017, trong đó có 1,1 triệu người tại Dải Gaza và 500.000 người tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Hiện tại Israel duy trì nghiêm ngặt những hạn chế đối với Gaza trong khi Ai Cập đóng cửa biên giới với vùng lãnh thổ này. Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng dải đất duyên hải nhỏ bé và dân cư thưa thớt này có thể sẽ thành nơi không thể sinh sống vào năm 2020 nếu tình hình này tiếp diễn.
Trong một bức thư nhân dịp phát động chiến dịch, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại các vùng lãnh thổ Palestine Robert Piper nêu rõ: "Những nhu cầu tại Gaza rất cấp bách và các dịch vụ nhân đạo do cộng đồng quốc tế cung cấp là một hỗ trợ vô cùng quan trọng."
Ngoài ra, ông Piper cũng nhấn mạnh nếu không cải cách chính trị và thực hiện một tiến trình hòa bình có ý nghĩa thì viện trợ nhân đạo cũng chỉ là "cố gắng kéo dài thời gian." Hoạt động ứng phó nhân đạo này phải kết hợp với hành động chính trị cụ thể.
Trước đó, ngày 15/12, Thủ tướng của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) Hamdallah trong một buổi tiệc chào đón Giáng sinh và Năm mới đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hành động để bảo vệ người Palestine.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị của Palestine ít tiến triển tích cực trong năm 2016, với những chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái đối địch. Trong khi đó, các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel, vốn đình trệ từ năm 2014, đã thất bại.
Đầu năm nay, Pháp đã đề xuất tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế để giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel và Palestine. Phía Palestine đã chấp thuận đề xuất này, song Israel nhiều lần bác bỏ sáng kiến của Pháp, thay vào đó kêu gọi Palestine đàm phán trực tiếp.
Vòng đàm phán hòa bình gần đây nhất giữa Israel và Palestine do Mỹ làm trung gian đã bị đổ vỡ vào tháng 4/2014./.