Liên hợp quốc kêu gọi triển khai khẩn cấp lực lượng đa quốc gia đến Haiti

Theo dữ liệu trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tỷ lệ các vụ giết người và bắt cóc do các băng nhóm gây ra ngày càng gia tăng, buộc hàng trăm nghìn người Haiti phải rời bỏ nhà cửa.
Cảnh sát tuần tra trên đường phố Port-au-Prince, Haiti. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Liên hợp quốc ngày 26/1 đã kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để triển khai lực lượng đa quốc gia đến Haiti.

Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc áp dụng các biện pháp và huy động tài chính để tái lập sự ổn định cho Haiti - quốc gia đang chìm trong tình trạng bạo lực chưa từng có.

Theo dữ liệu trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một ngày trước đó, tỷ lệ các vụ giết người và bắt cóc do các băng nhóm gây ra ngày càng gia tăng, buộc hàng trăm nghìn người Haiti phải rời bỏ nhà cửa.

Từ ngày 1/10 đến ngày 31/12/2023, chính quyền Haiti ghi nhận 1.432 vụ giết người có chủ ý, trong đó có 157 phụ nữ, 24 bé gái và 31 bé trai bị sát hại.

Cũng trong giai đoạn này, 698 người đã bị bắt cóc, trong đó có 258 phụ nữ, 14 bé gái và 17 bé trai, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Các vụ giết người được ghi nhận trong năm 2023 tăng 119,4% so với số liệu năm 2022, với tỷ lệ 40,9 vụ giết người trên 100.000 dân.

Số người bị bắt cóc mỗi năm cũng tăng vọt từ 1.359 người vào năm 2022 lên 2.490 người vào năm 2023, tương ứng mức tăng 83%.

Văn phòng Liên hợp quốc tại Port-au-Prince ước tính khoảng 300 nhóm vũ trang kiểm soát 80% thủ đô và gây ra 83% số vụ giết người và gây thương tích trong năm ngoái.

Các băng nhóm này đang mở rộng hoạt động về phía Bắc đến vùng Artibonito, nơi được coi là "vựa lúa mỳ" của Haiti.

Trong khi đó, tội phạm có vũ trang thực hiện nhiều cuộc tấn công quy mô lớn ở phía Nam thủ đô để kiểm soát các khu vực trọng điểm.

Vấn nạn tội phạm như bắt cóc, cướp của và giết người cùng bất ổn không ngừng gia tăng tại đất nước nghèo khó với gần 11,5 triệu dân này.

Các băng nhóm vũ trang thậm chí còn chiếm giữ một số cảng chính của Haiti và gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa quan trọng.

Chính quyền Port-au-Prince đã nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế kể từ vụ sát hại Tổng thống Jovenel Moise.

Thủ tướng Haiti Ariel Henry lần đầu tiên đề xuất sứ mệnh an ninh vào tháng 10/2022, kêu gọi “triển khai ngay lực lượng vũ trang chuyên trách” để đối phó với “các băng nhóm vũ trang” và dập tắt tình trạng bất ổn đang diễn ra.

Tháng 10/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn triển khai lực lượng vũ trang đa quốc gia do Kenya lãnh đạo nhằm giúp kiểm soát bạo lực băng nhóm tại Haiti.

Trước đó, Mỹ cũng đã nhiều lần hối thúc tổ chức một phái bộ quốc tế tới Haiti trong bối cảnh “tình hình an ninh ngày càng xấu đi” và cuộc khủng hoảng nhân đạo “thảm khốc” sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021.

Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, Tòa án Tối cao Kenya tại thủ đô Nairobi đã ra phán quyết rằng việc triển khai cảnh sát Kenya tới Haiti là bất hợp pháp khi chiểu theo Hiến pháp sửa đổi của nước này năm 2010.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Thẩm phán Tòa án Tối cao Chacha Mwita nêu rõ Hội đồng An ninh quốc gia - cơ quan an ninh hàng đầu của Chính phủ Kenya - không có quyền hạn pháp lý để triển khai cảnh sát chính quy bên ngoài đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục