Ngày 7/12, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo sự tăng mạnh về số người tị nạn Afghanistan trong bối cảnh lo ngại nguy cơ sụp đổ kinh tế ngày càng lớn ở quốc gia Tây Nam Á này, đồng thời kêu gọi tăng cường viện trợ kinh tế khẩn cấp.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ), ông Grandi nêu rõ: "Chúng ta đang đứng trước nguy cơ sụp đổ kinh tế (tại Afghanistan), tất nhiên sẽ dẫn tới dòng người di cư bên trong đất nước này và di cư ra nước ngoài để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn."
Liên hợp quốc đã liên tiếp cảnh báo Afghanistan đang đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
[Những hệ lụy nghiêm trọng nếu hệ thống ngân hàng Afghanistan sụp đổ]
Các tổ chức nhân đạo cho biết hơn một nửa trong số 38 triệu dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn trong mùa Đông, khi nền kinh tế có nguy cơ sụp đổ do quốc tế vẫn "đóng băng" viện trợ kể từ khi phong trào Taliban giành quyền kiểm soát đất nước.
Ông Grandi nhấn mạnh hoàn toàn có thể tránh được cuộc khủng hoảng này, song cần nhanh chóng hành động để đảm bảo nền kinh tế Afghanistan có thể vận hành, các dịch vụ được tiếp diễn và dòng tiền mặt vào nước này được nối lại.
Theo kế hoạch, ông Grandi sẽ đến Iran trong vài ngày tới để thảo luận với lãnh đạo nước này về tình hình "đang hết sức đáng lo ngại" của người tị nạn Afghanistan.
Iran là một điểm đến hàng đầu của những người tị nạn Afghanistan muốn trốn tránh chiến tranh và những khó khăn kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ.
Theo UNHCR, hiện có 3,4 triệu người Afghanistan tại Iran, trong đó gần 2 triệu người di cư không có giấy tờ tùy thân.
Ngoài ra, khoảng 3,5 triệu người Afghanistan đang phải sơ tán trong nước, nhiều trong số này đi sơ tán trước khi Taliban lên nắm quyền./.