Các nước cần có hành động tham vọng ứng phó với biến đổi khí hậu và năm 2021 phải là năm mà thế giới có bước tiến nhảy vọt hướng tới một tương lai không có phát thải ròng. Đây là nội dung lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 8/12 tại hội nghị cấp cao trực tuyến do Liên hợp quốc tổ chức với chủ đề "Caring for Climate" (tạm dịch: Quan tâm tới khí hậu).
Trong thông điệp bằng video được quay sẵn gửi tới hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh thế giới vẫn còn cách xa mục tiêu cần đạt được sau 5 năm ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông nêu rõ: "Thế giới đang lạc lối và chủ nghĩa đa phương đang bị hoài nghi đúng vào lúc chúng ta cần tới nhất.
Để phục hồi từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chúng ta cần có hành động đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong tiến trình này, chúng ta có thể tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy công nghệ sạch hơn và cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của người dân trên thế giới".
[Châu Âu vừa phải trải qua tháng 11 nóng nhất trong lịch sử]
Ông kêu gọi các nước nỗ lực triển khai hay ủng hộ 6 hành động bảo vệ môi trường, bao gồm: Đầu tư vào việc làm bền vững; đảm bảo không có thêm gói cứu trợ tài chính cho các đối tượng gây ô nhiễm; chuyển từ đánh thuế thu nhập đối với người nộp thuế sang đánh thuế khí thải carbon đối với đối tượng gây ô nhiễm môi trường; chấm dứt trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá; cân nhắc mọi nguy cơ đối với khí hậu khi ra quyết định và công bố những rủi ro tài chính liên quan tới biến đổi khí hậu; hợp tác với nhau vì mục tiêu chung là không bỏ lại ai ở phía sau.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng hoan nghênh những diễn biến tích cực mới đây trong hành động chống biến đổi khí hậu. Đó là việc Liên minh châu Âu (EU) cùng với Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và hơn 110 quốc gia khác cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 trong khi Trung Quốc thông báo sẽ trung hòa carbon trước năm 2060. Ông nêu rõ: "Trong đầu năm tới, với cam kết của chính quyền Mỹ sắp tới, tôi hy vọng những nước thải ra hơn 65% lượng khí thải CO2 toàn cầu và chiếm tới hơn 70% nền kinh tế thế giới, phải đưa ra cam kết về trung hòa carbon."
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, các doanh nghiệp cũng hưởng ứng nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, thông qua chiến dịch toàn cầu mang tên "Bussiness Ambition for 1.5 degrees Celsius " (tạm dịch Tham vọng Kinh doanh vì 1,5 độ C), hơn 340 giám đốc điều hành (CEO) cam kết dẫn dắt công ty đạt được mục tiêu về khí thải để duy trì nhiệt độ của Trái Đất chỉ tăng 1,5 độ C trong tương lai, cũng như hướng tới trung hòa carbon trước năm 2050.
Nỗ lực này cũng nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm thị trưởng thành phố, thống đốc, các nhà đầu tư, các trường đại học và tổ chức xã hội dân sự trong chiến dịch toàn cầu mang tên "Race to 0" (tạm dịch Chạy đua về 0) nhằm huy động các doanh nghiệp, chính quyền các thành phố, khu vực và các nhà đầu tư ủng hộ trung hòa carbon.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 đặt mục tiêu không để nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn khi khiến nước biển dâng cao./.