Liên hợp quốc kêu gọi đảm bảo hệ thống lương thực bền vững

Chuyên viên Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ khai thác mọi tiềm năng để đảm bảo hệ thống lương thực công bằng và bền vững hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyên viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực Olivier De Schutter ngày 15/5 đã kêu gọi các chính phủ khai thác mọi tiềm năng để đảm bảo hệ thống lương thực công bằng và bền vững hơn.

Các chính phủ có một vài nguồn chính để thúc đẩy hệ thống lương thực toàn cầu, trong đó có hoạt động mua sắm công. Khi tìm kiếm nguồn cung ứng thực phẩm cho các trường học, bệnh viện và cơ quan hành chính, chính phủ có cơ hội "vàng" để hỗ trợ chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm bền vững hơn.

Theo tính toán, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dành trung bình 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để mua sắm công, trong khi con số này ở các nước đang phát triển thấp hơn một chút.

Chuyên gia Liên hợp quốc đã xác định năm nguyên tắc cho việc sử dụng mua sắm công để hỗ trợ thực hiện các quyền có lương thực.

Một là nguồn ưu tiên từ các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ và giúp họ tiếp cập các hồ sơ dự thầu. Hai là cần đảm bảo mức lương và giá cả hợp lý trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Ba là thiết lập yêu cầu cụ thể đối với chế độ ăn uống đầy đủ. Bốn là cố gắng có được nguồn ưu tiên từ địa phương và đặt ra các yêu cầu phát triển bền vững đối với các nhà cung cấp. Năm là gia tăng việc tham gia và trách nhiệm giải trình trong hệ thống thực phẩm.

Chuyên gia Liên hợp quốc hoan nghênh tiến bộ gần đây ở các nước đang phát triển như Brazil, trong việc bảo đảm giá cho các nhà cung cấp sản phẩm hữu cơ và 30% ngân sách chi cho các bữa ăn ở trường học được đáp ứng từ nguồn cung ứng của các trang trại gia đình.

Theo ước tính, việc cung cấp các thực phẩm sản xuất trong nước cho 50 triệu học sinh ở các trường học tại châu Phi có thể mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 1,6 tỷ USD/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục