Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm ngoái, các quốc gia đã nhất trí đề ra kế hoạch tham vọng hơn nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy các nỗ lực nhằm ngăn ngừa tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 24 trong hơn 190 quốc gia đưa ra các cam kết mới hoặc cập nhật trước thềm hội nghị COP27 dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng tới.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 27/10, những kế hoạch đã được điều chỉnh này thậm chí cũng không giúp giảm mức khí thải cần thiết vào năm 2030.
UNEP cho rằng kinh tế toàn cầu cần phải trải qua quá trình chuyển đổi "chưa từng có" nhằm đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, trong đó giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng dưới 2 độ C.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhận định đây là "bức tranh u ám" khi thế giới mới chỉ bắt đầu hành động về khí hậu và đang bị chậm lại thêm một năm nữa.
Báo cáo của UNEP chỉ ra rằng với các chính sách khí hậu hiện nay, thế giới sẽ nóng lên thêm 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này.
Con số này sẽ là 2,5 độ C nếu các cam kết khí hậu mới được thực thi.
Báo cáo đã nêu bật tầm quan trọng của thay đổi mang tính hệ thống từ việc xây dựng các tòa nhà, đến nguồn lương thực và năng lượng mà người dân tiêu thụ để nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Để đạt được mục tiêu giảm khí thải và chuyển đổi nền kinh tế, báo cáo nêu rõ sẽ cần đầu tư 4.000-6.000 tỷ USD/năm trong hàng loạt lĩnh vực và công nghệ từ sản xuất điện bằng các nguồn năng lượng tái tạo đến các phương tiện không phát thải.
[Liên hợp quốc kêu gọi thế giới đối phó hiện tượng Trái Đất nóng lên]
Trong bối cảnh các chính phủ đang đối mặt với cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng từ giá năng lượng đến chi phí sinh hoạt tăng cao, báo cáo kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình khử carbon, thay vì để những thách thức này chuyển hướng sự tập trung khỏi hành động khí hậu.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi xu hướng đầu tư vào hạ tầng để khí thải carbon không tồn tại qua nhiều thập niên.
Bên cạnh việc giảm lượng khí thải nhanh nhất có thể, thế giới cũng cần thiết lập nền tảng cho quá trình chuyển đổi sau năm 2030.
Theo Ủy ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cần phải giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030 để giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Dù các nước vẫn còn cách xa mục tiêu giảm khí thải cần đạt, song đồng tác giả báo cáo UNEP, cố vấn của tổ chức Concito ở Đan Mạch, Anne Olhoff khẳng định thế giới vẫn còn thời gian và công nghệ để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris.
Thay vì tập trung vào các viễn cảnh tiêu cực, thế giới nên chuyển sang xem xét các lợi ích tiềm năng của các chính sách xanh như đảm bảo chất lượng không khí tốt hơn, giảm giá năng lượng sau khi triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo.
Ông Olhoff kết luận thế giới cần khẩn trương hành động ngay từ bây giờ, bởi khoảng cách giữa thời gian đưa ra quyết định và thực thi chính sách tới thời điểm giảm khí thải là rất dài./.