Liên hợp quốc kêu gọi các bên hành động vì hòa bình cho Yemen

Đặc phái viên Liên hợp quốc chỉ trích lý lẽ của các bên tham chiến dùng để biện minh cho tình trạng bạo lực leo thang là "không thể chấp nhận," đặc biệt khi cơ hội để đạt được hòa bình vẫn còn.
Cảnh đổ nát sau một cuộc không kích của liên quân Arab ở Sanaa, Yemen ngày 9/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed đã kêu gọi các bên tham chiến tại Yemen "hành động vì hòa bình," đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến vốn đang gây ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại quốc gia này.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Cheikh Ahmed chỉ trích lý lẽ của các bên tham chiến dùng để biện minh cho tình trạng bạo lực leo thang là "không thể chấp nhận" và "không thuyết phục," đặc biệt khi "cơ hội để đạt được hòa bình vẫn còn."

Đặc phái viên Ahmed cũng cho biết ông dự định mời các bên tham chiến tại Yemen tái khởi động các cuộc đàm phán "càng sớm càng tốt" để thảo luận về những thỏa thuận mà ông đề xuất vài tháng trước. Trong đề xuất này, ông Ahmed kêu gọi tiếp tục cung cấp hàng hóa thương mại và nhân đạo thông qua cảng Hodeida trên Biển Đỏ và thanh toán khoản lương chậm trả từ nhiều tháng qua cho các công chức chính phủ nhằm đảm bảo các dịch vụ thiết yếu của chính phủ ở tất cả các khu vực của đất nước.

Chính phủ của Tổng thống Yemen Mansour Hadi cũng đã phản ứng tích cực và đã đồng ý thương lượng trên cơ sở đề xuất của đặc phái viên Liên hợp quốc.

[Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế báo động đỏ diễn biến dịch tả tại Yemen]

Ông Ismail Ould Cheikh Ahmed cũng nêu bật tình hình Yemen vẫn hết sức tồi tệ, xung đột tiếp tục leo thang hàng ngày và vấn đề nhân đạo đang trở nên xấu đi, đặc biệt là nạn đói và dịch tả. Khoảng 14 triệu người Yemen đang bị thiếu lương thực, trong đó khoảng 7 triệu người có nguy cơ bị đói.

Dịch tả tại Yemen đang lan rộng với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em, người già cùng những nhóm người dễ bị tổn thương khác. Hiện có khoảng 300.000 ca nghi mắc bệnh tả, khoảng 1.700 người đã tử vong vì đại dịch này.

Trong khi đó, hàng chục nghìn nhân viên y tế không được nhận lương nhiều tháng qua, hơn một nửa số cơ sở y tế của Yemen đã bị đóng cửa, nguồn cung các thiết bị y tế và thuốc chữa trị vẫn rất hạn chế.

Theo ông Ismail Ould Cheikh Ahmed, dù đã nhận được khoản hỗ trợ trị giá 67 triệu USD của Saudi Arabia để giúp khống chế dịch tả tại Yemen, song Liên hợp quốc vẫn cần nhiều hơn nữa các gói hỗ trợ từ các quốc gia.

Cũng tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Điều phối viên hoạt động nhân cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc, ông Stephen O'Brien đã kêu gọi Hội đồng Bảo an gây sức ép hơn nữa lên các bên tham chiến tại Yemen và các nước ủng hộ bên ngoài nhằm ngăn chặn bạo lực, cũng như thúc đẩy các nỗ lực đẩy lui dịch tả đang hoành hành.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Amed Aboul-Gheit cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Yemen và kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức nhân đạo tiếp tục nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng này. Ông kêu gọi các quốc gia Arab, trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia cùng góp sức giúp ngăn chặn đợt bùng phát dịch tả lần này tại Yemen, được đánh giá là tồi tệ nhất trên thế giới.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ miền Nam Yemen, bao gồm thủ đô chính thức của nước này là Sanaa.

Tháng 3/2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.

Sau hơn 3 năm, xung đột tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, gần 40.000 người bị thương và 2/3 dân số nước này cần tới các biện pháp cứu trợ nhân đạo. Các điều kiện sống cơ bản như thức ăn, nước uống và thuốc chữa bệnh đều trở nên khan hiếm trong khi dịch bệnh tràn lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục