Ngày 20/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc Azerbaijan và Armenia kiềm chế tối đa sau khi xảy ra các cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước khiến hơn 10 binh sỹ thiệt mạng.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric nói: “Tổng thư ký đang theo dõi với mối quan ngại sâu sắc trước các căng thẳng hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia. Tổng thư ký kêu gọi kiềm chế tối đa, vì một cuộc xung đột toàn diện giữa hai nước sẽ là thảm họa."
Trong khi đó, Nga - quốc gia ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là nước có căn cứ quân sự ở Armenia, đã kêu gọi hai bên ngừng bắn và thể hiện sự kiềm chế. Điện Kremlin cho biết Moskva sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Azerbaijan và Armenia.
[Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan]
Cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ quan ngại đối với cuộc đụng độ biên giới giữa Azerbaijan và Armenia do mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực, vốn đóng vai trò là hành lang cho các tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Biển Caspian đến các thị trường toàn cầu.
Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.