Ngày 5/10, Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Haiti, gọi tắt là MINUSTAH, đã chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự kéo dài suốt 13 năm qua, tuy nhiên mục tiêu khôi phục sự ổn định ở quốc gia Caribe này vẫn chưa hoàn toàn đạt được.
Sự kết thúc của MINUSTAH được đánh dấu bằng việc hạ cờ Liên hợp quốc trên căn cứ quân sự chính với sự có mặt của các quan chức Haiti và các nhà ngoại giao.
Người đứng đầu MINUSTAH Sandra Honore cho biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm để Haiti đạt được sự ổn định và phát triển bền vững.
MINUSTAH được triển khai vào năm 2004 nhằm ngăn tình trạng bạo lực sau khi cựu Tổng thống Jean-Bertrand Aristide bị lật đổ, nhưng lực lượng này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Haiti.
[Hội đồng Bảo an nhất trí chấm dứt sứ mệnh hòa bình tại Haiti]
Trong thời gian hoạt động 13 năm, MINUSTAH đã vấp phải vụ bê bối nghiêm trọng khi chính các binh lính người Nepal tham gia lực lượng này vô tình mang dịch tả đến Haiti.
Đợt dịch tả nghiêm trọng đã khiến hơn 9.300 người tử vong và hơn 800.000 người bị nhiễm kể từ khi bùng phát vào năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Liên hợp quốc mới lần đầu tiên thừa nhận trách nhiệm gây ra dịch tả tại Haiti và Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đó là ông Ban Ki-moon đã phải xin lỗi người dân nước này.
Theo nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 4, MINUSTAH sẽ được thay thế bằng Sứ mệnh Hỗ trợ Công lý tại Haiti (MINUJUSTH).
Sứ mệnh mới, với sự tham gia của tổng cộng 1.275 nhân viên cảnh sát nước ngoài, có nhiệm vụ đào tạo lực lượng an ninh Haiti, đồng thời hỗ trợ nước này xây dựng hệ thống pháp quyền./.