Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 30/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và các lệnh trừng phạt đối với Nam Sudan thêm một năm nữa, tính đến ngày 31/5/2020.
Nghị quyết này được thông qua với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng, theo đó các biện pháp trừng phạt mới sẽ bao gồm việc "đóng băng" tài sản và cấm đi lại trên thế giới đối với tám công dân Nam Sudan bị cáo buộc đóng vai trò "kích động chiến tranh."
Theo ông Jerry Matjila, Đại diện thường trực của Nam Phi tại Liên hợp quốc, việc áp đặt trừng phạt không có tác dụng gì với tiến trình chính trị hiện nay ở Nam Sudan, thay vào đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần chú quan tâm, hỗ trợ nỗ lực của Cơ quan Phát triển liên chính phủ (IGAD) và Liên minh châu Phi (AU) tại Nam Sudan.
[Nam Sudan đóng cửa một số đại sứ quán do khủng hoảng kinh tế]
Cảnh báo về việc những áp lực từ bên ngoài có thể làm trầm trọng thêm tình hình chính trị vốn không ổn định ở Nam Sudan, ông Matjila nhấn mạnh việc thiết lập hòa bình tại nước này không hề dễ dàng mà cũng không thể diễn ra một cách liên tục, đồng thời kêu gọi tất cả các bên cải thiện tình hình nhân đạo ở Nam Sudan.
Nam Sudan giành độc lập từ Sudan năm 2011, trở thành thành viên thứ 193 của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nội chiến khốc liệt đã nổ ra tại quốc gia non trẻ nhất thế giới vào năm 2013 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính.
Các cuộc giao tranh đã khiến khoảng 400.000 thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người đang phải đối mặt với nạn đói, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới.
Các phe phái tại đây đã ký thỏa thuận hòa bình vào tháng 9/2018, tuy nhiên việc thực thi thỏa thuận này đã bị đình lại và việc thành lập một chính phủ đoàn kết theo kế hoạch diễn ra vào ngày 12/5 vừa qua đã bị hoãn lại trong vòng sáu tháng./.