Liên hợp quốc hướng tới kỷ niệm 50 năm hoạt động vì môi trường

Các nhà khoa học cảnh báo nhân loại không còn nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khi những nỗ lực ngoại giao quốc tế đang bị đình trệ.
Liên hợp quốc hướng tới kỷ niệm 50 năm hoạt động vì môi trường ảnh 1Khói bốc lên từ một nhà máy điện than ở bang Tây Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) để tham dự hội nghị kỷ niệm 50 năm hoạt động vì môi trường của Liên hợp quốc, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng và cuộc xung đột tại Ukraine đe dọa đến các nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Theo thông báo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với 3 thách thức về môi trường là "cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và vấn đề liên quan ô nhiễm và chất thải."

Các nhà khoa học cảnh báo nhân loại không còn nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khi những nỗ lực ngoại giao quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ nhằm bảo vệ môi trường đang bị đình trệ.

Phát biểu tại họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến tiến triển trong công tác ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời làm bộc lộ điểm yếu của thế giới hiện nay khi phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo ông Guterres, cuộc xung đột này làm gia tăng mối lo ngại về khả năng hợp tác của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các tác động toàn cầu của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

[Mỹ công bố kế hoạch hành động vì an ninh nguồn nước toàn cầu]

Trong khi đó, Giám đốc UNEP Inger Andersen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết toàn cầu, đồng thời kêu gọi "hành động cứng rắn" tại hội nghị.

Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày, với sự có mặt của các khách mời như Đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry hay Bộ trưởng Các vấn đề Liên minh châu Âu của Thụy Điển Hans Dahlgren.

Nội dung chính tại hội nghị bao gồm hành động nhằm cắt giảm khí thải, phục hồi từ đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh việc đưa bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển.

Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường tại Stockholm vào năm 1972 là hội nghị đầu tiên trên thế giới tập trung vào vấn đề môi trường, dẫn đến việc thành lập UNEP.

Tổ chức UNEP có trách nhiệm đóng vai trò điều phối, khuyến khích hợp tác trong việc bảo vệ môi trường, giúp các quốc gia và người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà không gây tổn hại cho thế hệ tương lai.

Theo Bộ trưởng Dahlgren, hội nghị năm 1972 chính là khởi đầu cho xu hướng hợp tác quốc tế sau này với kết quả là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Theo ông Dahlgren, so với 50 năm trước, thế giới giờ đây đã nhận thức được tính cấp thiết, cũng như có thêm nhiều cấu trúc để ứng phó với vấn đề môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục