Liên hợp quốc hối thúc Mỹ, Nga hỗ trợ ngừng giao tranh ở Syria

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 28/4 hối thúc Nga và Mỹ gây sức ép với các bên đối địch ở Syria nhằm ngừng giao tranh.
Liên hợp quốc hối thúc Mỹ, Nga hỗ trợ ngừng giao tranh ở Syria ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 28/4 hối thúc Nga và Mỹ gây sức ép với các bên đối địch ở Syria nhằm ngừng giao tranh và bảo đảm một cuộc điều tra đáng tin cậy về các cuộc không kích trúng vào một bệnh viện ở thành phố Aleppo, miền Bắc Syria.

Trong một tuyên bố, ông Ban Ki-moon lên án mạnh mẽ vụ oanh tạc vào một bệnh viện ở thành phố Aleppo, đồng thời nhấn mạnh tấn công nhằm vào dân thường là hành vi vi phạm luật nhân đạo “không thể bào chữa được.”

Tổng Thư ký Liên hợp quốc khuyến khích các cường quốc hỗ trợ tiến trình hòa bình của Syria, đặc biệt là Nga và Mỹ, “bảo đảm một cuộc điều tra đáng tin cậy về các cuộc không kích như vụ tấn công vào bệnh viện Al-Quds.” 

Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên đối địch lập tức tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ cuối tháng 2 vừa qua.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, chỉ có một thỏa thuận song song với Tuyên bố chung Geneva đạt được năm 2012 và nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể dẫn tới một giải pháp cho xung đột tại Syria.

"Thay vì ném bom các khu vực dân sự, tất cả các bên ở Syria phải tiếp tục tập trung vào một tiến trình chính trị," Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Trong khi đó, Mỹ cũng lên án mạnh mẽ vụ không kích nhằm vào bệnh viện trên, đồng thời hối thúc Nga kiềm chế chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cùng ngày, Nga đã phủ nhận việc những máy bay của họ liên quan đến các cuộc không kích khiến bệnh viện trên bị phá hủy, khẳng định Nga không thực hiện cuộc không kích nào ở đó trong những ngày gần đây.

Ít nhất 27 người, trong đó có 14 bệnh nhân, 1 bác sỹ và 3 trẻ em, đã thiệt mạng khi các trận không kích trong đêm 27/4 trúng vào bệnh viện Al-Quds được Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) hỗ trợ.

Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 38 dân thường đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong cuộc giao tranh mới xảy ra ngày 28/4 tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Theo SOHR, 18 dân thường, trong đó có 2 trẻ em, thiệt mạng và 40 người bị thương do phiến quân bắn đạn pháo vào khu vực do chính quyền Syria kiểm soát. Còn các cuộc không kích của quân chính phủ nhằm vào các quận bị phiến quân chiếm, trong đó có khu đông dân Bustan al-Qasr khiến 20 người thiệt mạng, trong đó có ba dân thường.Tính từ ngày 22/4, giao tranh bùng phát tại Aleppo đã khiến ít nhất 186 người thiệt mạng.

Vòng đàm phán thứ 2 giữa các bên Syria tại Geneva bắt đầu từ ngày 13/4 đã kết thúc ngày 27/4.

Trong cuộc họp báo sau đó, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan De Mistura cho biết đã đạt tiến bộ nhất định và ông đã đưa ra một bản tóm tắt 15 điểm mà Chính phủ Syria và phe đối lập có lập trường tương đồng.

Vòng đàm phán này diễn ra trong bối cảnh xung đột và các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng.

Theo ông De Mistura, lệnh ngừng bắn vẫn được duy trì, song có thể đổ vỡ vào bất cứ lúc nào. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải cho lệnh ngừng bắn một động lực mới, đồng thời kêu gọi Nga và Mỹ cần khẩn cấp giúp duy trì lệnh ngừng bắn.

Kể từ khi xung đột nổ ra tại Syria vào năm 2011, hơn 270.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục