Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 12/11, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Liban, Jan Kubis kêu gọi quốc gia Trung Đông này nhanh chóng thành lập một chính phủ có năng lực, cho rằng điều này sẽ tạo vị thế tốt hơn để Liban đề nghị cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Liban Michel Aoun cùng với một nhóm đại sứ nước ngoài hôm 12/11, ông Jan Kubis nhấn mạnh Chính phủ và các cơ quan chức năng của Liban không thể chờ đợi lâu hơn nữa để bắt tay vào giải quyết các vấn đề tài chính và kinh tế cấp bách hiện nay.
Ông kêu gọi chính quyền Liban ưu tiên duy trì ổn định tài chính và tiền tệ, bao gồm các biện pháp mang lại niềm tin cho người dân và bảo vệ tài khoản tiết kiệm của họ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Liban bắt nguồn chủ yếu từ sự suy giảm của dòng vốn, dẫn đến sự khan hiếm USD và tạo ra một thị trường chợ đen nơi đồng bảng Liban đã suy yếu dưới mức tỷ giá niêm yết chính thức.
[Tổng thống Liban khẳng định chính phủ đủ khả năng điều hành đất nước]
Những tuần gần đây, người dân đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối chính quyền không cung cấp các dịch vụ cơ bản và không có năng lực thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế đang ngày càng trì trệ.
Trước áp lực của người biểu tình, ngày 29/10, Thủ tướng Liban Saad al-Hariri đã tuyên bố từ chức.
Tổng thống Aoun dự kiến sẽ bắt đầu tham vấn các thành viên của Quốc hội Liban để lựa chọn tân Thủ tướng - người sẽ chịu trách nhiệm thành lập chính phủ mới bao gồm cả các nhà kỹ trị.
Trong khi đó, các ngân hàng và trường học ở Liban ngày 12/11 vẫn phải đóng cửa do người biểu tình tiếp tục ngăn chặn các nhân viên và giáo chức đến làm việc.
Hàng chục người biểu tình cũng tập trung gần một tòa án ở trung tâm thủ đô Beirut để đòi cơ quan tư pháp độc lập, trong khi nhân viên 2 nhà mạng di động lớn nhất Liban là Alfa và Touch bắt đầu cuộc đình công trên toàn quốc./.