Ngày 30/1, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura hoan nghênh kết quả của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại thành phố Sochi của Nga, coi đây là một đóng góp quan trọng đối với tiến trình hòa đàm Syria do Liên hợp quốc bảo trợ.
Phát biểu với phóng viên, ông Mistura nêu rõ Đại hội Sochi đã giúp tiến trình hòa đàm Syria hoàn thành một mục tiêu là đưa chính phủ và phe đối lập cùng tham gia vào các cuộc đối thoại về vấn đề soạn thảo Hiến pháp mới.
Quan chức này đặc biệt hoan nghênh việc đại hội thông qua danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp (gọi tắt là Ủy ban Hiến pháp), có nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria. Quan chức này nhấn mạnh ủy ban này ra đời là một đóng góp lớn cho tiến trình tại Geneva (Thụy Sĩ).
Trước đó, phía Nga cho biết danh sách này sẽ được chuyển cho đặc phái viên Mistura trong thời gian sớm nhất.
[Đại hội tại Sochi: Syria cần phải trở thành quốc gia dân chủ]
Ủy ban Hiến pháp sẽ có khoảng 45-50 thành viên và bao gồm cả đại diện của Chính phủ Syria cũng như phe đối lập. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria sẽ tiến hành các cuộc tham vấn sâu rộng để đảm bảo chọn ra một ủy ban cân bằng.
Ông Mistura cam kết sẽ bắt đầu công việc sớm nhất có thể, để ngỏ khả năng rằng việc thành lập Ủy ban Hiến pháp có thể mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội do Liên hợp quốc bảo trợ và giám sát.
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra ngày 30/1 tại Sochi với sự tham dự của 1.393 đại biểu, hơn 50 quan sát viên. Đại hội kéo dài hơn 9 giờ trong bầu không khí xây dựng và đã thông qua ba văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố kết thúc đại hội, thư kêu gọi của các đại biểu tham dự đại hội và danh sách ứng cử viên tham gia Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp.
Nga tuyên bố Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này, và nhìn chung đã thành công. Ông khẳng định ủy ban hiến pháp sẽ hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc./.