Liên hợp quốc không hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Liên hợp quốc đánh giá nền kinh tế toàn cầu đã khởi sắc

Lần đầu tiên từ năm 2011, Liên hợp quốc không hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều này có thể đánh dấu bước ngoặt cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: mole.my)

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khởi sắc như kỳ vọng trong 6 tháng qua, song tại nhiều khu vực, nhịp độ tăng trưởng vẫn chưa đạt được mức cần thiết để có những bước tiến nhanh chóng hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Đây là nội dung trong báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới do Liên hợp quốc công bố ngày 16/5.

Theo báo cáo trên, sản lượng công nghiệp thế giới trong thời gian này đã phục hồi khiêm tốn, hoạt động thương mại toàn cầu cũng đi lên, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Đông Á tăng mạnh.

Nhịp độ tăng trưởng của thế giới được dự đoán đạt 2,7% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo được Liên hợp quốc đưa ra hồi tháng Một năm nay. Những chỉ số này đánh dấu một sự bứt tốc đáng kể so với mức tăng chỉ 2,3% trong năm 2016.

[Hội nghị kinh tế Á-Âu kêu gọi thiết lập trật tự kinh tế toàn cầu mới]

Hong Pingfan, Giám đốc Bộ phận Phân tích và phát triển chính sách thuộc Vụ Các vấn đề kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc (DESA), nhấn mạnh đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, Liên hợp quốc không hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà tổ chức này đưa ra từ hồi đầu năm, và điều này có thể đánh dấu bước ngoặt cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Đáng chú ý là các nền kinh tế phát triển và những nền kinh tế đang trên đà dịch chuyển tăng trưởng vững chắc hơn, với Đông và Nam Á tiếp tục duy trì vị thế là hai khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới.

Báo cáo còn ghi nhận những tín hiệu tích cực liên quan tới môi trường bền vững khi mức khí thải có carbon trên toàn cầu đã chững lại trong 3 năm liên tiếp, cùng với đó là sự phát triển của năng lượng tái tạo, những cải tiến trong hiệu quả năng lượng, hay việc chuyển đổi sử dụng năng lượng than đá sang khí tự nhiên...

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng đà phục hồi kinh tế tại Nam Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đầu người đang chững lại, và thậm chí giảm tại một số vùng ở châu Phi. Dự báo tăng trưởng GDP tại một số quốc gia thuộc nhóm nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) cũng giảm so với dự báo hồi tháng Một năm nay.

Nếu xét tốc độ tăng trưởng hiện tại và giả sử không giảm thiểu được tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, thì gần 35% dân số tại các nước LDC vẫn tiếp tục thuộc diện nghèo cùng cực đến năm 2030.

Trước thực trạng trên, báo cáo nhấn mạnh việc cần phải có những nỗ lực chính sách hơn nữa để có thể thúc đẩy một môi trường góp phần đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế trung hạn, và giải quyết tình trạng đói nghèo thông qua các chính sách xóa bỏ bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý tới việc phối kết hợp các chính sách ngắn hạn nhằm kích cầu tiêu dùng ở bộ phận người nghèo và các chính sách dài hạn, như cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tình hình lạm phát tại các nước phát triển đã đạt được bước ngoạt và nguy cơ giảm phát kéo dài đang dần tan biến. Trong khi đó, những áp lực lạm phát đã dịu xuống tại nhiều thị trường lớn mới nổi, từ đó cho phép lãi suất đi xuống.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tình hình bất ổn gia tăng liên quan tới chính sách quốc tế, vốn có nguy cơ gây cản trở cho sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư tư nhân trên toàn cầu. Giới doanh nghiệp ở nhiều nền kinh tế mới nổi có thể bị tổn thương do những thay đổi đột ngột trong tình hình tài chính và diễn biến của các dòng vốn.

Vì vậy, Liên hợp quốc ủng hộ các cam kết toàn cầu trong việc phối hợp chính sách quốc tế sâu sắc hơn ở các lĩnh vực then chốt, trong đó có việc thiết lập hệ thống thương mại đa phương đi đôi với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; tăng cường viện trợ phát triển chính thức; đóng góp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển giao công nghệ sạch; cũng như giải quyết những thách thức đặt ra từ cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục