Liên hợp quốc công nhận Hiệp ước Copenhagen

Bất chấp sự phản đối của một số nước, Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đã chính thức công nhận Hiệp ước Copenhagen.
Bất chấp sự phản đối của một số nước, Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đã tránh được thất bại bằng việc chính thức công nhận Hiệp ước Copenhagen.

Hiệp ước Copenhagen là một thỏa thuận mới do Mỹ và 5 quốc gia mới nổi, trong đó có Trung Quốc đưa ra nhằm đối phó với tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Dù không thông qua thỏa thuận trên, song quyết định cuối cùng của hội nghị gồm 193 nước này khẳng định các bên sẽ lưu ý đến Hiệp ước Copenhagen.

Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu diễn ra trên cơ sở đồng thuận và một số nước đã lên tiếng phản đối thỏa thuận do Mỹ đứng đầu này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng Hiệp ước Copenhagen là "sự khởi đầu cần thiết", đồng thời cũng thừa nhận văn kiện này không đáp ứng được mọi kỳ vọng của các nước.

Theo ông, Hiệp ước Copenhagen có thể được thực thi ngay từ ngày 1/1 tới và Liên hợp quốc sẽ cố gắng đưa ra một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý sớm nhất có thể trong năm 2010.

Trong khi đó, giới truyền thông thế giới tỏ ra thất vọng trước thỏa thuận trên của hội nghị Liên hợp quốc.

Nhật báo Người bảo vệ của Anh khẳng định Hội nghị Copenhagen đã thất bại do nó chỉ đạt được một thỏa thuận không đủ mạnh để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tờ Thời báo New York của Mỹ cho rằng rất nhiều mục tiêu đã không đạt được tại hội nghị này, kéo theo sự thất vọng của nhiều nước trên thế giới.

Trong khi đó, tờ Giải phóng của Pháp nhấn mạnh mặc dù có thể hành động nhanh chóng để giải cứu ngành tài chính thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng, song các cường quốc đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, nhiều báo khác cũng nhận định Hội nghị Copenhagen sẽ không được nhớ đến là một hội nghị lịch sử được mọi người mong đợi mà sẽ được coi là biểu tượng của việc bỏ lỡ cơ hội.

Hiệp ước Copenhagen đặt hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nhưng cao hơn đề xuất 1,5 độ C của các quốc đảo.

Về quỹ hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, các nước giàu cam kết đóng góp 10 tỷ USD giai đoạn từ năm 2010-2012, và đặt mục tiêu đến năm 2020 huy động 100 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau như nhà nước, tư nhân, song phương và đa phương.

Hiệp ước này quy định các cam kết của các nước giàu sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ và minh bạch theo Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các nước đang phát triển sẽ đưa ra những cam kết về cắt giảm khí thải trên tinh thần "tôn trọng chủ quyền quốc gia".

Văn kiện không tán thành mục tiêu được các nước giàu ủng hộ là giảm một nửa khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2050, và không ấn định thời hạn chót biến thỏa thuận thành một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục