Liên hoan sân khấu cho thiếu nhi: Tìm kiếm tác phẩm hấp dẫn, giàu tính giáo dục

Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

(Ảnh: PV/Vietnam+)
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ Nhất-năm 2024 sẽ diễn ra từ 13-20/5, tại thành phố Hải Phòng.

Liên hoan quy tụ 14 đơn vị nghệ thuật tham gia cùng với 17 tác phẩm đặc sắc, được xem là một trong những hoạt động chuyên môn quan trọng nhất của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trong năm 2024.

Phát biểu tại bổi họp báo thông tin về sự kiện, ngày 6/5, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết Liên hoan nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ đối tượng thiếu niên, nhi đồng trong thời gian qua.

Đây cũng là hoạt động đề cao vai trò, trách nhiệm của nghệ thuật sân khấu, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu đối với thế hệ trẻ.

sankhau1.jpg
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phát biểu tại họp báo ngày 6/5. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Liên hoan dành cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và các đơn vị nghệ thuật hoạt động theo hình thức xã hội hoá. Đề tài và kịch chủng của Liên hoan khá thoải mái, không bị bó hẹp khi tất cả các loại hình sân khấu đều có thể tham gia liên hoan như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc, ảo thuật…

Tác phẩm tham dự Liên hoan phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng. Nội dung tác phẩm phù hợp với tâm tư, tình cảm, đời sống của thiếu niên, nhi đồng ở mọi miền đất nước, đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục thiếu niên nhi đồng; lên án và tránh xa cái xấu, cái ác trong quá trình hình thành nhân cách của các cháu thiếu niên, nhi đồng.

“Các tác phẩm góp phần định hướng về những điều tốt đẹp, những suy nghĩ, hành động Chân-Thiện-Mỹ; đề cao trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục, đùm bọc, yêu thương đối với các chủ nhân tương lai của đất nước,” bà Mùi nói.

sankhau5.jpg
Vở diễn "Bộ quần áo mới của hoàng đế" của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam kỳ vọng rằng Liên hoan sẽ góp phần đa dạng hóa tác phẩm cho thiếu nhi đồng thời trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật có trách nhiệm hơn với đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

Đại diện các nhà hát cũng sẽ tham gia một tọa đàm để tìm giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ thiếu nhi, xây dựng các tác phẩm có ý nghĩa bồi đắp nhân cách thiếu nhi, từ đó dần dần hình thành đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu.

Đơn vị phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức liên hoan là Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng.

sankhau2.jpg
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng cho rằng Liên hoan không chỉ là sàn diễn thi tài của các nghệ sỹ đến từ các đoàn nghệ thuật, mà còn là món quà tặng cho khán giả nhỏ tuổi sau một năm học đã có nhiều cố gắng.

Vì vậy, cơ quan này sẽ phối hợp với sở giáo dục và đào tạo nhằm tạo điều kiện cho học sinh tại địa phương có thể thưởng thức các vở diễn trong Liên hoan.

Ban Tổ chức sẽ tặng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc kèm theo tiền thưởng cho các tác phẩm có chất lượng nội dung, nghệ thuật cao, đạt những tiêu chí trong quy chế chấm giải và khen thưởng. Bên cạnh đó, BTC cũng tặng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc kèm theo tiền thưởng cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn đạt các tiêu chí trong quy chế chấm giải và khen thưởng. Ngoài ra, Liên hoan còn có các giải thưởng cho các thành phần sáng tạo: Tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, biên đạo múa,… theo kết quả bình chọn của Hội đồng giám khảo./.

Các đơn vị nghệ thuật tham dự Liên hoan:

Nhà hát Kịch Việt Nam: “Bộ quần áo mới của hoàng đế,” “Rồng thần trở lại”

Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam: “Bầy chim thiên nga,” “Chú mèo dạy hải âu bay”

Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Tấm Cám” (Bống bống bang bang)

Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam: “Giải cứu Mặt Trăng”

Nhà hát Kịch Hà Nội: “Lời bà kể”

Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội: “Màu của ước mơ”

Nhà hát Chèo Hà Nội: “Cây tre trăm đốt,” “Nắm xôi kỳ diệu”

Đoàn Kịch nói Hải Phòng: “Mặt Trời quê hương”

Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng: “Dế mèn phiêu lưu ký”

Đoàn Nghệ thuật Sen Việt: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”

Ảo thuật Thanh phố Hồ Chí Minh: “Ảo giác”

Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa: “Nước mắt tuổi thơ”

Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa: “Tiếng đàn Thạch Sanh”

Nhà hát Chèo Bắc Giang: “Tiếng chuông cảnh tỉnh”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục