Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm nghề là thủ công cổ truyền, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và trở thành bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có người dân các làng ở thành phố Kon Tum.
Qua bàn tay khéo léo của những nữ nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm giống như một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu cảm thể hiện bản sắc văn hóa, nét thẩm mỹ của từng dân tộc.
Họ đã truyền hơi thở của cuộc sống vào từng hoa văn, từng đường dệt, màu sắc; đồng thời “thổi” vào đó “hồn cốt dân tộc” mang đậm yếu tố tâm linh, huyền bí và cả ước muốn, sức sống của cộng đồng.
Để góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, khôi phục và phát huy nghề truyền thống các dân tộc thiểu số, trong đó có nghề dệt thổ cẩm, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ 2 và ra mắt Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
[Bảo hộ thành công nhãn hiệu Dệt thổ cẩm Kon Tum và Gạo thơm Đăk Hà]
Đây cũng là các sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913-9/2/2023).
Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ 2, diễn ra trong hai ngày 6 và 7/2 tại Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa.
Tại liên hoan, các nghệ nhân sẽ có cơ hội giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, góp phần xây dựng môi trường du lịch cộng đồng đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn thành phố Kon Tum nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum Phan Ngọc Đinh, để phát triển du lịch cộng đồng thì việc duy trì các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dệt thổ cẩm có vai trò hết sức quan trọng.
Bởi mỗi sản phẩm được làm ra từ thổ cẩm đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc văn hóa, về niềm tin và các giá trị thẩm mỹ luôn thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm vừa góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa, vừa giúp tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lần đầu tiên đến tham dự Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum, ông Marcin Moczulski, du khách Ba Lan, cho biết ông rất ấn tượng với thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Những họa tiết trên thổ cẩm của người Bahnar rất đặc biệt, không giống với bất cứ một loại hoa văn, họa tiết nào ông đã từng được xem qua.
Thú vị hơn, đến với Liên hoan ông được tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân dệt thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Ông Marcin Moczulski cũng đã mua một số vật dụng từ thổ cẩm để làm quà tặng cho bạn bè, người thân khi về nước.
Cùng hòa chung với niềm vui của Liên hoan sắc màu thổ cẩm đang tổ chức nơi đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum cũng đã chính thức giới thiệu Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Là một trong những làng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Bahnar nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon Jơ Dri có những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống, không gian kết nối với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Rơ Wa.
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Rơ Wa, cho biết hiện làng Kon Jơ Dri có khoảng 20% nhà sàn mang kiến trúc truyền thống của người Bahnar.
Bà con luôn quan tâm đến việc khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây là những điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
Không ít khách du lịch phương Tây chọn hình thức “du lịch homestay” để được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, phong tục của dân tộc Bahnar ở làng Kon Jơ Dri. Với việc công nhận Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, trên địa bàn thành phố Kon Tum có ba làng du lịch cộng đồng là Kon Kơ Tu, Kon Jơ Dri và Kon Klor./.