Liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam: Cần tạo ra bản sắc riêng biệt

3 liên hoan phim quốc tế không phải là nhiều với thị trường gần 100 triệu dân, nhưng điều quan trọng là làm sao để mỗi sự kiện có bản sắc riêng, không chỉ để tồn tại mà còn thực sự vươn tầm thế giới.
Hà Nội có thể tận dụng bề dày lịch sử để làm định hướng cho liên hoan phim, tạo nên HANIFF chuyên về phim tập trung các giá trị văn hóa đặc sắc? (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Từ năm 2024 trở đi, Việt Nam sẽ có 3 liên hoan phim có quy mô quốc tế, gồm: Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF), Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) và Liên hoan Phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF).

Mỗi sự kiện đều là cơ hội để không chỉ giao lưu, phát triển về điện ảnh mà còn về kinh tế. Song để đạt được điều đó, một liên hoan phim phải khẳng định được giá trị của chính mình, thực sự trở thành một nơi đáng đến.

Tổ chức liên hoan phim tại 3 thành phố trọng điểm

Tính đến ngày 3/10/2023, theo thống kê của FilmFreeWay - nền tảng trực tuyến hỗ trợ nộp hồ sơ tham gia liên hoan phim trên toàn thế giới - có khoảng 11.773 chương trình đang tiếp nhận dự thi. Riêng khu vực châu Á có trên 1.010 liên hoan phim lớn nhỏ.

Thành lập liên hoan phim quốc tế nhằm phát huy giá trị địa phương, biến đổi sức mạnh của điện ảnh, văn hóa thành tiềm lực kinh tế, tạo sức ảnh hưởng là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Việt Nam không phải ngoại lệ.

Năm 2010, mảnh nước hình chữ S có liên hoan phim quốc tế đầu tiên đặt tại Thủ đô (tiền thân là Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam, sau đổi thành Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội).

Khán giả tìm kiếm vé xem phim HANIFF lần 6 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Luật Điện ảnh mới năm 2022 chính thức có hiệu lực từ năm 2023 mở ra trang tiếp theo đầy tiềm năng cho điện ảnh Việt Nam, cho phép một hội chính trị xã hội nghề nghiệp, địa phương, thành phố tự tổ chức liên hoan phim (miễn không trùng liên hoan phim đã có).

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thành phố Đà Nẵng cũng lần đầu tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế với quy mô châu Á vào tháng 5/2023. Nếu không có gì thay đổi, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ khởi động một liên hoan phim quốc tế vào năm 2024, hướng đến mục tiêu thành phố điện ảnh, gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO cùng với Hà Nội.

Trong khi Đà Nẵng có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu, sẵn sàng trở thành phim trường cho quốc tế thì Thành phố Hồ Chí Minh có nền kinh tế phát triển và là thị trường điện ảnh mạnh nhất trong cả nước.

Giống với các mô hình liên hoan phim trên thế giới, bộ ba HANIFF - DANAFF - HIFF sẽ vinh danh những tác phẩm điện ảnh có giá trị ở nhiều thể loại: Phim dài (trên 90 phút), phim ngắn, phim tài liệu... hay cá nhân người làm phim, diễn viên, quay phim, biên kịch.

Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay có tới hàng chục ngàn liên hoan phim. Ngay trong nước, Việt Nam từ chỗ chỉ có duy nhất một liên hoan phim quốc tế, sẽ sớm có thêm 2 liên hoan trong 2 năm. Khi loại hình này đã quá phổ biến, một cá thể muốn tồn tại càng cần có sức hút của riêng nó. 

Cần tạo điểm nhấn

Tính đến thời điểm hiện tại, HANIFF là liên hoan phim quốc tế lâu đời nhất tại Việt Nam (13 năm, 6 lần tổ chức). Tuy nhiên đến nay, liên hoan phim này chưa tạo được điểm khác biệt để được biết đến trong khu vực và quốc tế.

“Nhiều năm nay, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội chưa cho thấy rõ định hình của nó. Các phim được chiếu chỉ đơn thuần là phim tốt, góp phần thúc đẩy cho sự vận động của xã hội. Ngoài ra, thời gian 2 năm tổ chức 1 lần là một nhược điểm…,” Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hồng Chương - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận xét.

[Giám khảo quốc tế: Liên hoan phim Hà Nội cần xây dựng bản sắc riêng]

Bản sắc của một liên hoan phim nằm ở tính đặc thù của nó. Ví dụ Liên hoan Phim Palm Spring (Mỹ) chuyên tổ chức trước thềm Oscar và Quả Cầu Vàng, trở thành sự kiện dự đoán đề cử và chiến thắng ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Các Liên hoan Phim Cannes (Pháp), Venice (Italy) và Berlin (Đức) là bộ ba nổi tiếng châu Âu không ngừng khẳng định bản thân qua việc trao giải cho những tiếng nói điện ảnh mới mẻ, độc đáo, thậm chí có phần dị biệt mỗi năm.

Hay theo nhà phê bình-nhà sử học điện ảnh người Pháp, Max Tessier, ba cái tên liên hoan phim quốc tế nổi nhất trong khu vực châu Á hiện nay là Busan (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Hong Kong (Trung Quốc). Tại HANIFF lần 6, ông Tessier ngồi ghế ban giám khảo và cho rằng dù Việt Nam không cần đặt mục tiêu cạnh tranh với những “ông lớn” trên, nhưng vẫn cần một bản sắc của riêng mình.

Sức hút và bản sắc của một liên hoan phim có thể đến từ tự thân một nền điện ảnh lớn mạnh, song cũng có thể được xây dựng nhờ hướng đi, khẩu vị hay nhóm khán giả riêng.

Mô hình khóa học ươm mầm tài năng do đạo diễn Phan Đăng Di phối hợp cùng DANAFF, phát triển từ khóa học Gặp gỡ mùa Thu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ kinh nghiệm và quan sát tại các liên hoan phim quốc tế, ông Chương chỉ ra một số điểm mà liên hoan phim tại Việt Nam cần chú trọng để chuyên nghiệp hóa: Cần có giám đốc phụ trách về định hướng nghệ thuật, có giám tuyển đi các sự kiện quốc tế để tìm tác phẩm vừa nổi bật, vừa phù hợp với liên hoan phim của mình để mời đến, chứ không chỉ chờ người làm phim chủ động gửi tác phẩm; đội ngũ lý luận phê bình giỏi để chỉ ra điểm hay của những bộ phim tốt, phim nghệ thuật đặc sắc của liên hoan phim, bởi nếu một liên hoan phim chỉ đơn thuần chiếu phim hay thì khán giả có nhiều lựa chọn ở rạp và tại nhà hơn…

[Vịnh Hạ Long tiếp tục được chọn làm bối cảnh phim của Hollywood]

Ông Phạm Minh Toàn - đại diện Vietfest (đơn vị tư vấn cho Liên hoan Phim Thành phố Hồ Chí Minh) - khẳng định HIFF đã tham khảo từ Busan. Ông cho rằng sự đầu tư quyết liệt và tập trung của chính phủ Hàn Quốc cho điện ảnh cả về cơ sở vật chất, nhân lực và chính sách đã giúp nền điện ảnh quốc gia này tiến một bước dài trong thời gian vừa qua và tạo sự ảnh hưởng toàn cầu - điều mà họ đã làm được với âm nhạc. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Lê Hồng Chương cho rằng Hà Nội có thể tận dụng chiều sâu lịch sử của mình để làm nên một liên hoan phim chuyên về các giá trị văn hóa và tiếp tục thay đổi, phát triển từ cơ sở đó. Còn đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét Đà Nẵng có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu và du lịch trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở hạ tầng và nhân lực, thị trường… Đó là những tiêu chí để người làm liên hoan phim dựa vào mà phát triển.

Liên hoan Phim Quốc tế Đà Nẵng (DANAFF) lần đầu tiên có sự tham dự của nữ diễn viên Moon Sori - nổi danh ở cả hai dòng phim độc lập và thương mại tại Hàn Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giới chuyên môn nhận định 3 liên hoan phim chưa phải là nhiều với thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam. Vì vậy, nếu người quản lý thực sự coi mỗi liên hoan phim là một cơ hội hội nhập, thì cần được vận dụng cho tốt.

Ông Phạm Minh Toàn cho rằng mỗi liên hoan phim sẽ có những định hướng và vai trò khác nhau, tùy điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, việc sở hữu nhiều hay ít liên hoan phim không quan trọng bằng việc phải xây dựng được thương hiệu và tầm ảnh hưởng của một liên hoan phim quốc tế không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực./.

Năm 2018, liên hoan phim quốc tế có quy mô tương đối lớn là Los Angeles Film Festival (LAFF, Mỹ) đã phải dừng lại sau 18 năm vận hành không hiệu quả.

Thời báo LA và Variety cho rằng thất bại của LAFF nằm ở việc không thể xác lập bản sắc rõ nét, liên tục thay đổi lãnh đạo, nhiều lần thay đổi chiến lược phát triển, từng thay đổi địa điểm tổ chức hai lần thay vì duy trì ở một nơi để tạo thành điểm đến cố định.

Một yếu tố đáng tiếc khác là bản thân Los Angeles đã có quá nhiều các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật khác, riêng về liên hoan phim đã có khoảng 40 mô hình lớn, nhỏ khác nhau.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục