Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Bạc Liêu-Sóc Trăng-Cà Mau

56 tiết mục biểu diễn tại liên hoan có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, nêu gương người tốt việc tốt trong lao động sản xuất...
Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Bạc Liêu-Sóc Trăng-Cà Mau ảnh 1Biểu diễn đờn ca tài tử. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/11, Lễ trao giải Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Bạc Liêu-Sóc Trăng-Cà Mau lần XIV mở rộng năm 2019 đã diễn ra tại thành phố Bạc Liêu. 

Liên hoan do Sở Văn hóa-Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức, diễn ra trong hai ngày (21-22/11).

Liên hoan thu hút sự tham gia của 8 Câu lạc bộ đờn ca tài tử các tỉnh, thành phố gồm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.

56 tiết mục biểu diễn tại liên hoan có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, nêu gương người tốt việc tốt trong lao động sản xuất, phê phán hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, động viên khuyến khích toàn xã hội tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Liên hoan là một trong những hoạt động kỷ niệm 100 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang" và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà công tử Bạc Liêu. Liên hoan nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu thích đờn ca tài tử; vinh danh và tưởng nhớ các thế hệ nghệ sỹ, nghệ nhân tài danh đã cống hiến cho sự phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

[Tọa đàm về bản Dạ cổ hoài lang dưới góc nhìn người làm báo]

Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sỹ có dịp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết chung tay bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Theo đánh giá của nghệ sỹ ưu tú, thạc sỹ Huỳnh Khải, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Liên hoan đã hội tụ được những ngón đờn điêu luyện, giọng ca hay và chủ đề từng tiết mục biểu diễn gắn liền với đời sống văn hóa đương đại. Hầu hết các các tiết mục dự thi có nội dung tốt, phù hợp với chủ đề của liên hoan. Nhiều tiết mục có sự đột phá về cách ca, diễn..., đánh dấu bước phát triển mới của đờn ca tài tử trong thời kỳ hội nhập, quảng bá đờn ca tài tử, đưa loại hình nghệ thuật này vào đời sống cộng đồng.

Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, đối với nội dung cá nhân dành cho các nghệ sỹ của 3 tỉnh Bạc Liêu-Sóc Trăng-Cà Mau, Ban tổ chức trao 6 giải A gồm: Thu Tâm (Bạc Liêu) với tiết mục "Gửi nửa vầng trăng," Thoại Mỹ (Sóc Trăng) với tiết mục "Vọng mãi ân Tình," Quốc Sĩ (Cà Mau) với tiết mục "Quê tôi Cà Mau," Tiểu Nhi-Thanh Trung (Cà Mau) với tiết mục "Quê hương khởi sắc," Kiểu Loan-Thoại Mỹ (Sóc Trăng) với tiết mục "Tình Mẹ" và Hoài Thương (Bạc Liêu) với tiết mục "Tiếng đàn đêm."

Đối với giải cá nhân mở rộng, Ban tổ chức trao 7 giải A gồm: Mỹ Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) với tiết mục "Dạ cổ hoài lang," Ngọc Trân-Bích Trâm (Kiên Giang) với tiết mục "Hương sứ Hòn Đất," Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) với tiết mục "Làm theo lời Bác," Như Ý (Hậu Giang) với tiết mục "Vang mãi tiếng ru xưa," Minh Đức-Duy Hòa-Thanh Mai-Nguyệt Thu (Thành phố Hồ Chí Minh) với tiết mục "Tự hào thành phố mang tên Bác," Dàn nhạc (Thành phố Hồ Chí Minh) với tiết mục Hòa tấu và Ngọc Kiên-Huyền Trang-Hoàng Oanh (Long An) với tiết mục "Trọn niềm đam mê."

Giải A tập thể được trao cho Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu. Giải A tập thể mở rộng được trao cho Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Thành phố Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Long An.

Ban tổ chức còn trao Giải thí sinh nhỏ tuổi nhất cho thí sinh Tạ Vinh Hiển, 11 tuổi của Bạc Liêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục