Liên hoan Chèo toàn quốc: Sự trở lại sôi động sau thời kỳ 'ngủ đông'

Sau thời gian "ngủ đông" vì dịch bệnh, Liên hoan Chèo toàn quốc năm nay hứa hẹn mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc vì có đến 16 đoàn nghệ thuật tham gia với 27 vở diễn đa dạng về nội dung và đề tài.
Liên hoan là dịp nhìn lại hoạt động của các đơn vị nghệ thuật chèo. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chuẩn bị lên đường tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, nghệ sỹ trẻ Lê Đạt (Nhà hát Chèo Hà Nội) vuốt ve tấm áo bào nhung cho phẳng, rà soát lại các đạo cụ cần thiết. Anh hít một hơi thật sâu, vừa háo hức, vừa hồi hộp vì đây là lần đầu tiên được tham dự một “sân chơi” lớn như vậy.

Lê Đạt cùng các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội đã dành nhiều tháng tập luyện vở “Linh Từ Quốc Mẫu” để tranh tài cùng 15 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp khác tại liên hoan.

Hà Nam rộn tiếng trống chèo

Khai thác đề tài lịch sử, vở chèo “Linh Từ Quốc mẫu” đề cập tới những nhân vật có vai trò quan trọng đối với lịch sử họ Trần và đất nước. Đó là Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng…

Nghệ sỹ Lê Đạt trong vai Vua Lý Huệ Tông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghệ sỹ Lê Đạt sẽ vào vai Vua Lý Huệ Tông, vị vua có cuộc đời ngắn ngủi, kéo dài 33 năm nhưng lại có nhiều bước ngoặt gắn với biến thiên lịch sử dân tộc.

“Tôi vào vai Vua Lý Huệ Tông ở giai đoạn từ 17 tuổi đến 32 tuổi, chia làm 4 màn, từ khi chưa kế vị, khi làm vua, đi tu rồi băng hà. Đây là một vai diễn khó, đặc biệt là đối với một nghệ sỹ trẻ, bởi qua từng giai đoạn cuộc đời, nhân vật có diện mạo và diễn biến tâm lý thay đổi phức tạp,” Lê Đạt chia sẻ.

Khi nhận vai diễn này, anh lo lắng vì sợ mình không làm được, nhưng qua nhiều tháng tập luyện và nhận được chỉ dẫn của đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Hoài Thu, nay Lê Đạt đã tự tin cùng đồng nghiệp mang vở diễn tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc.

“Sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài, nay liên hoan đã trở lại với sự tham gia của đông đảo các đoàn nghệ thuật. Tôi hào hứng mong chờ vì đây là cơ hội quý giá để có thể học hỏi và giao lưu gặp mặt các bậc tiền bối và đồng nghiệp. Tôi cũng rất hạnh phúc vì lại được biểu diễn phục vụ khán giả, trau dồi kinh nghiệm diễn xuất,” nghệ sỹ Lê Đạt cho biết.

Soạn giả chèo Mai Văn Sinh cũng cùng chung cảm xúc hồi hộp, hạnh phúc bởi anh có đến 3 kịch bản được dàn dựng và trình diễn trong liên hoan lần này. Đó là tác phẩm “Những vì sao không tắt” (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam) sẽ mở màn liên hoan vào lúc 20 giờ ngày 12/10; “Vang bóng một thời” (Đoàn Chèo Hải Phòng) và “Khóc giữa trời xanh” (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam).

[Hơn 1.250 diễn viên tham gia liên hoan chèo toàn quốc 2022]

“Liên hoan năm nay thực sự là một ‘mùa bội thu’ của chèo, vì có đến 16 đoàn nghệ thuật tham gia với 27 vở diễn. Tôi nhận thấy các đoàn có tinh thần trách nhiệm rất cao với nghệ thuật chèo bởi thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 khiến nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu chèo nói riêng gặp khó khăn rất lớn, các nghệ sỹ ai nấy đều phải chật vật để giữ nghề. Liên hoan lần này sẽ cuộc ‘tổng động viên’ khích lệ tinh thần nghệ sỹ,” soạn giả Mai Văn Sinh chia sẻ.

Chủ trương của Ban tổ chức là không giới hạn đề tài và nội dung tác phẩm tham dự. Do đó, soạn giả Mai Văn Sinh tin tưởng rằng liên hoan sẽ trở thành một sân chơi sôi động, cống hiến cho khán giả nhiều tác phẩm chèo đề tài lịch sử, huyền thoại, văn học, đương đại… có nội dung phong phú, đặc sắc.

Soạn giả Mai Văn Sinh trong lễ khai trương vở chèo 'Vang bóng một thời.' (Ảnh: NVCC)

“Hà Nam là địa phương có truyền thống chèo. Trong vòng hơn hai tuần tới đây, mảnh đất Hà Nam sẽ rộn ràng tiếng trống chèo. Tôi tin rằng cả người dân và các nghệ sỹ đều rất mong chờ sự kiện này. Đặc biệt, mỗi buổi biểu diễn sẽ có khoảng 300 giáo viên và học sinh trên địa bàn đến xem chèo như là một hoạt động ngoại khóa. Tôi rất mừng trước thông tin này,” soạn giả Mai Văn Sinh nói.

Truyền 'lửa' chèo đến thế hệ kế cận

Nói về Liên hoan Chèo toàn quốc, nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết số lượng đoàn nghệ thuật và vở diễn tham gia là những tín hiệu đáng mừng, khẳng định rằng sân khấu chèo vẫn có những hoạt động chuyện nghiệp mạnh mẽ.

Các nghệ sỹ tập luyện tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Liên hoan không chỉ là cuộc vui mà còn là nơi giới chuyên môn đánh giá về sự phát triển của nghệ thuật chèo, quá trình kế thừa và bảo tồn truyền thống trong thời đại mới như thế nào. Liên hoan chuyên nghiệp luôn có Hội đồng nghệ thuật để bình xét những tác phẩm vừa có nội dung tư tưởng, vừa có tính tiếp biến với xã hội nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc," nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly chia sẻ.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn kỳ vọng liên hoan sẽ là dịp rà soát lại hướng đi của các đoàn nghệ thuật, tìm ra những tài năng mới.

“Trong thời đại 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức liên hoan là một cách để ‘giữ lửa’ những tinh túy văn hóa phi vật thể, và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận," nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Nghệ sỹ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng bày tỏ kỳ vọng rằng nhiều tài năng mới sẽ được phát hiện qua các đêm diễn, đó sẽ là nhân tố giúp nghệ thuật chèo khởi sắc. Nghệ sỹ cho rằng chèo cần kịch bản hay, đạo diễn giỏi và đặc biệt là diễn viên tài năng để níu chân khán giả.

Nghệ sỹ nhân dân Quốc Chiêm. (Ảnh: Đặng Đình An)

“Nghệ sỹ cần phải tìm tòi, sáng tạo để có nét riêng, được khán giả nhớ tới. Có những kịch bản chỉ ở mức độ tầm tầm nhưng diễn xuất của nghệ sỹ có thể khiến cho cả vở chèo bừng sáng. Có những khán giả đi xem chèo chỉ để thưởng thức một đoạn thoại của diễn viên mà họ yêu mến,” nghệ sỹ nhân dân Quốc Chiêm nói.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, kỳ vọng Liên hoan Chèo toàn quốc sẽ là bước tiếp nối chủ trương của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, tạo thành “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

“Cách đây khoảng hơn 10 năm thì chúng tôi không thể đo đếm được số lượng người yêu chèo vì chủ yếu người dân nghe chèo qua Đài Tiếng nói Việt Nam và băng đĩa. Còn hiện nay, chúng tôi nhận thấy có nhiều hội nhóm trên Facebook đã kết nối những người yêu chèo ở trong và ngoài nước tạo nên một cộng đồng rất đông đảo. Đó là động lực lớn cho những người nghệ sỹ,” nhà báo Mai Văn Lạng nói.

Nhà báo Mai Văn Lạng bày tỏ mong muốn Hội đồng nghệ thuật làm việc với 8 chữ “thật tài, thật tâm, thật tình, thật tinh” để vinh danh những tác phẩm và nghệ sỹ xứng đáng.

Nhân liên hoan này, ông cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc việc để các đơn vị nghệ thuật chèo tự chủ kinh tế, bởi đây là loại hình nghệ thuật đặc thù, cần đảm bảo đời sống cho nghệ sỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục