Với 98,287 triệu MWh đạt được tính đến ngày 30/12, nhà máy Itaipú - liên doanh giữa Brazil và Paraguay - đã san bằng kỷ lục về sản lượng thu được trong năm 2012 và tiếp tục là dự án thủy điện có sản lượng lớn nhất thế giới trong năm vừa kết thúc.
Được xây trên sông Paraná, biên giới tự nhiên giữa hai nước, Itaipú gồm 20 tổ máy, với tổng công suất 14.000 MW. Công trình được khởi công xây dựng năm 1974 và bắt đầu phát điện năm 1984, nhưng hai tổ máy cuối cùng mới được đưa vào vận hành tháng 5/2007.
Hiện Itaipú đáp ứng trên 17% lượng điện tiêu thụ tại Brazil và khoảng 75% lượng điện được sử dụng tại Paraguay.
Theo thỏa thuận liên doanh, mỗi nước được hưởng 50% sản lượng điện. Tuy nhiên, Paraguay chỉ có nhu cầu sử dụng một phần rất nhỏ và bắt buộc phải bán lượng điện không tiêu thụ hết cho Brazil theo giá sản xuất.
Chính quy định này sau này đã gây tranh cãi giữa hai nước, vì Paraguay muốn bán với giá thương mại cho Brazil hoặc các thị trường khác. Năm 2012, Paraguay chỉ thu được 374 triệu USD từ việc bán sản lượng dư thừa khổng lồ sang nước láng giềng.
Theo các chuyên gia của Itaipú, mặc dù có công suất lắp máy lớn hơn (22.500 MW), tổ hợp thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc cho sản lượng thấp hơn khoảng 10% so với Itaipú.
Tương tự sông Dương Tử cung cấp nước cho Tam Hiệp, sông Paraná cũng có lưu lượng dòng chảy lớn, tuy nhiên lượng nước của Paraná ổn định, cho phép Itaipú phát điện quanh năm với công suất lớn.
Ước tính lượng điện hàng năm của Itaipú có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Paraguay trong 8 năm, của Brazil trong 79 ngày, của Mỹ trong 8 ngày và của toàn thế giới trong 2 ngày./.