Ngày 21/11, Chánh Văn phòng Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Tăng Thị Huyền cho biết, theo phản ánh của nhiều người dân, một số kẻ xấu đã giả mạo trang Fanpage của Liên đoàn để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trước đó, ngày 11/11, ngay sau khi nhận được thông tin về trang Fanpage giả mạo, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã đăng thông tin cảnh báo lên trang Fanpage chính thức với nội dung: "Trong thời gian gần đây, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam nhận được rất nhiều thông tin từ người hâm mộ cầu lông nhắn tin hỏi về việc tuyển sinh các lớp năng khiếu từ các trang giả mạo. Hiện tại, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam chỉ có duy nhất một trang Facebook Liên đoàn Cầu lông Việt Nam VBF (có dấu tích xanh). Vậy, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam thông báo đến mọi người được biết để tránh bị lợi dụng."
Cảnh báo việc giả mạo văn bản Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để lừa đảo
Tuy nhiên, sau khi Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đăng thông báo, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Liên đoàn thường xuyên nhận được nhiều cuộc gọi của người dân, phụ huynh học sinh phản ánh tình trạng bị trang Fanpage giả mạo của Liên đoàn lừa đảo, thậm chí kẻ gian còn làm giả con dấu và chữ ký của Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Hà để làm giấy chứng nhận giả cho các học viên.
"Liên đoàn Cầu lông Việt Nam có nhiệm vụ chính là quản lý các hoạt động về bộ môn cầu lông. Hiện tại, chúng tôi chưa mở bất cứ khóa học hay viện đào tạo tài năng nào về cầu lông nên mong các vị phụ huynh hãy sáng suốt khi lựa chọn địa chỉ đăng ký cho con em mình. Chúng tôi có sẵn số điện thoại và địa chỉ của Liên đoàn, nếu có bất cứ vấn đề gì, người dân có thể liên hệ, tránh để bị kẻ gian lợi dụng," bà Tăng Thị Huyền nói.
Bà mong các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng cùng chia sẻ thông báo để nhiều người dân biết về một số trang Fanpage giả và cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng.
Bà Tăng Thị Huyền nêu rõ một số trường hợp người dân đến tận Văn phòng Bộ môn Cầu lông (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để hỏi và xác nhận về việc này.
Bộ môn Cầu lông đã ghi nhận một trường hợp yêu cầu xác nhận thông tin khi chuẩn bị chuyển cho các đối tượng lừa đảo số tiền lên tới hơn 200 triệu đồng.
Một trường hợp khác được ghi nhận trong Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền các đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển lên tới 300 triệu đồng./.