Việt Nam và Liên bang Nga có tiềm năng phát triển hợp tác thương mại trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và công nghệ.
Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại chương trình giao lưu thương mại Việt Nam-Nga do Trung tâm xuất khẩu Nga tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/9.
Ông Andrey Naryshkin, Giám đốc phát triển quốc tế Trung tâm xuất khẩu Nga cho biết, Việt Nam được xác định là thị trường chiến lược trong mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu của Nga tại khu vực Đông Nam Á bởi hai nước đã có nền tảng quan hệ hợp tác tốt đẹp nhiều năm. Đặc biệt, sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu, quan hệ thương mại Việt Nam-Nga đã có bước tăng trưởng đáng kể.
Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nga đã đạt 6 tỷ USD. Hơn nữa, Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển rất năng động, nhu cầu các sản phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng ngày càng tăng và đó chính là cơ hội để Nga đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam.
Theo ông Andrey Naryshkin, Việt Nam-Nga đã có truyền thống hợp tác lâu năm trong lĩnh vực công nghiệp. Trong thời gian tới, Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khác mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu như nông nghiệp, công nghệ thông tin.
Thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp trực tiếp, Trung tâm xuất khẩu Nga không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Nga xúc tiến thương mại gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam mà còn khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh sản phẩm Việt tại Nga cũng như đầu tư sản xuất tại Nga để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Điều này nhằm hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Ông Nikolay Semernya, Giám đốc Công ty Belyov Pastila, một công ty chuyên sản xuất các loại bánh từ nguyên liệu táo chua xanh chia sẻ, các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến của Nga thường được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, phù hợp với khách hàng ưa chuộng những sản phẩm tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
[Nga ấn tượng với sự phát triển năng động của Việt Nam]
Theo ông Nikolay Semernya, sản phẩm của Belyov pastila đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới và nhận được phản hồi rất tốt nhưng đây là lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam.
Với mức tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập được cải thiện và đa số người tiêu dùng ở độ tuổi trẻ chính là những động lực để doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng Nga tin tưởng vào khả năng tiêu thụ tại Việt Nam.
Chia sẻ lý do chọn Việt Nam là nơi đầu tiên ở Đông Nam Á để giới thiệu sản phẩm Bàn giải phẫu tương tác, ông Vadim Gvozdkov, Giám đốc sản xuất PIROGOW interactive anatomy cho biết, Việt Nam đang có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghệ tương tác, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, trong khi sản phẩm của PIROGOW interactive anatomy là sự tích hợp của một sản phẩm công nghệ phục vụ cho việc đào tạo y khoa.
Lợi thế của ngành công nghệ Nga nói chung là giá cả canh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, riêng trong lĩnh vực đào tạo y khoa, Việt Nam-Nga có nhiều nét tương đồng, nhiều y, bác sỹ của Việt Nam từng được đào tạo tại Nga nên việc hợp tác sẽ dễ dàng hơn.
Là một doanh nhân có nhiều năm hợp tác kinh doanh sản phẩm của Nga, ông Trần Anh Chiến, Giám đốc E&N Group thông tin, thời gian gần đây, sản phẩm Nga đang dần góp mặt nhiều hơn trên các quầy kệ siêu thị, kênh bán lẻ truyền thống cũng như các kênh thương mại điện tử ở Việt Nam.
Ưu điểm của sản phẩm Nga là chất lượng và sự an toàn luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt cũng yêu thích những sản phẩm mang đặc trưng riêng của nước Nga như dầu hướng dương, hạt hướng dương, các loại đậu, các loại ngũ cốc, đường, bột lúa mỳ, bột lúa mạch.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Việt Nam cho rằng, điểm yếu của sản phẩm Nga hiện nay là bao bì, mẫu mã chưa thật sự bắt mắt và hạn chế tiếp cận do khác biệt ngôn ngữ, nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường Việt Nam nhưng chưa được đầu tư thiết kế nhãn phụ bằng tiếng Việt. Do đó, để phát triển thị trường tại Việt Nam, doanh nghiệp Nga phải chú trọng nghiên cứu xu hướng tiêu dùng và thay đổi mẫu mã nhãn mác phù hợp hơn./.