Lịch sử tỉnh Lào Cai - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Lào Cai, vùng đất biên cương phía Bắc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, có địa hình chủ yếu là đồi núi, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương."

Thành phố Lào Cai ngày nay. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Thành phố Lào Cai ngày nay. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Lào Cai, vùng đất biên cương phía Bắc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, có địa hình chủ yếu là đồi núi, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương."

Vị trí địa lý

Lào Cai có diện tích tự nhiên 6.364,25km2, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Nam giáp tỉnh Yên Bái; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang; phía Tây giáp tỉnh Lai Châu.

Lũng Pô là tên một dòng suối thuộc địa phận xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chia đường phân thủy hai nước Việt-Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Lào Cai có vị trí địa lý đặc biệt với mạng lưới giao thông đa dạng. Là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, Lào Cai có vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam-Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.

Lào Cai có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế.

Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn.

Lào Cai có điều kiện để thực hiện vai trò đầu mối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây chính là lợi thế lâu dài để Lào Cai trở thành cửa ngõ tin cậy và là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Ý nghĩa của tên gọi Lào Cai

Theo Lịch sử Đảng bộ Lào Cai, cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai. Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang, là một trung tâm kinh tế chính trị lớn ở thượng nguồn sông Hồng.

Đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê có biết bao biến động về địa danh... Đến đời nhà Nguyễn, vùng đất Lào Cai chủ yếu thuộc đất của châu Thủy Vỹ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hóa. Thời điểm này, địa danh Lào Cai chưa được hình thành.

Vùng đất thị xã Lào Cai ngày nay xưa kia có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế, phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là Lão Nhai (tức Phố Cũ). Sau này, người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai (Phố Mới ngày nay).

lao-cai-1.jpg
Thuyền vận chuyển tại Lao Kay năm 1911. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ Lão Nhai được biến âm thành Lao Cai và được gọi một thời gian khá dài. Khi làm bản đồ, người Pháp viết Lao Cai thành Lào Kay. Danh từ Lào Kay đã được người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu. Nhưng trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai.

Sau ngày tỉnh Lao Cai được giải phóng (tháng 11/1950), tên Lào Cai được thống nhất gọi cho đến ngày nay.

Lịch sử tỉnh Lào Cai

Sau khi đánh chiếm Lào Cai (tháng 3/1886) và khi hoàn thành công cuộc bình định quân sự, thực dân Pháp cai quản địa hạt Lào Cai theo chế độ quân sự.

Ngày 7/1/1899, đạo quan binh IV được thành lập bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai. Lào Cai là đạo lỵ, thủ phủ của đạo quan binh IV.

Để dễ bề kiểm soát và tiến hành khai thác bóc lột, thực dân Pháp đã chia lại khu vực hành chính và thay đổi chế độ cai trị. Ngày 12/7/1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai, chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai. Từ đây, địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam.

Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, địa lý Lào Cai cũng có nhiều thay đổi. Về địa danh hành chính, Lào Cai trải qua nhiều lần tách nhập.

12/7/1907, thành lập tỉnh dân sự Lào Cai, phần đất của châu Thủy Vỹ bên hữu ngạn sông Hồng sáp nhập vào Chiêu Tấn, vẫn lấy tên là châu Thủy Vỹ. Từ đó, địa danh Chiêu Tấn không còn. Phần đất của châu Thủy Vỹ bên tả ngạn sông Hồng được tách ra lập thành châu Bảo Thắng.

Tỉnh Lào Cai gồm hai châu Thủy Vỹ, Bảo Thắng và các đại lý Mường Khương, Phong Thổ, Bát Xát, Bắc Hà (Pa Kha) và thị xã Lào Cai, trong đó có 855 làng bản, 6.812 hộ, 39.099 nhân khẩu, với 11 dân tộc chủ yếu: Hmông, Dao, Tày, Giáy... trong đó người H'mông chiếm 26,56%, Dao 22,41%, Tày, Giáy 20,77%, Kinh 4,52%, Nùng 7,33%, Thái 9,25%, U Ní 2,48%, Hoa Kiều 4,44%, còn lại là các dân tộc khác.

Sau khi tỉnh Lào Cai được giải phóng lần thứ nhất, Lào Cai được chia thành 8 huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Bản Lầu, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Phong Thổ và thị xã Lào Cai.

Ngày 7/5/1955, khu tự trị Thái Mèo được thành lập, huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai chuyển sang khu tự trị Thái Mèo, sau này thuộc tỉnh Lai Châu.

Ngày 27/3/1975, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V đã nghị quyết hợp nhất ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh mới lấy tên là Hoàng Liên Sơn.

Ngày 17/4/1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định hợp nhất thị xã Lào Cai và Cam Đường thành thị xã Lào Cai trực thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

lao-cai-2.png
Cầu Cốc Lếu - biểu tượng lịch sử của Lào Cai. (Nguồn: Truyền hình Lào Cai)

Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, trên cơ sở vùng đất Lào Cai (cũ) và bổ sung thêm ba huyện: Bảo Yên, Văn Bàn (thuộc Yên Bái cũ), Than Uyên (thuộc Nghĩa Lộ cũ) bao gồm 8 huyện, hai thị xã.

Ngày 9/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng quyết định tách thị xã Lào Cai thành hai thị xã Lào Cai và Cam Đường.

Ngày 30/12/2000, huyện Bắc Hà được tách thành hai huyện Si Ma Cai và Bắc Hà.

Ngày 31/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.

Ngày 1/1/2004, huyện Than Uyên được tách ra thuộc tỉnh Lai Châu (mới).

Ngày 30/11/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 195/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai. Tỉnh Lào Cai gồm thành phố Lào Cai và 8 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn.

Từ 1/1/2020, theo Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Sa Pa được nâng cấp thành thị xã. Tỉnh Lào Cai gồm: thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và 7 huyện.

Những lần nhập, tách tỉnh Lào Cai-Yên Bái

Ngày 27/3/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 5 đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 16/2/1976, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức đi vào hoạt động.

Khi hợp nhất, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 thị xã: Lào Cai, Yên Bái, Cam Đường, Nghĩa Lộ và 16 huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Lục Yên, Mù Cang Chải, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Than Uyên, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Bàn, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình.

Xuất phát từ điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất và vị trí quan trọng, lãnh đạo tỉnh thống nhất đề xuất và được chuẩn y thị xã Lào Cai là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Năm 1979, sáp nhập thị xã Cam Đường vào thị xã Lào Cai, sáp nhập huyện Si Ma Cai vào huyện Bắc Hà.

thanh-pho-lao-cai-2.jpg
Thành phố Lào Cai ngày nay. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn có diện tích 14.125km2, dân số 784.800 người, gồm 2 thị xã: Yên Bái, Lào Cai và 15 huyện.

Ngày 12/8/1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn để tái lập 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Mặc dù mỗi địa phương có những tiềm năng, lợi thế với điều kiện riêng biệt nhưng để gặt hái được những "quả ngọt," hai tỉnh Lào Cai-Yên Bái luôn giữ mối quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện.

Với khát vọng phát triển, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái nỗ lực vượt khó, cùng chung sức, đồng lòng quyết tâm vươn lên trở thành những tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước./.

ban-do-tinh-lao-cai.png
Bản đồ hành chính tỉnh Lào Cai. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai)

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 7,38%, cao hơn năm 2023 (mức 5,11%) và cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Quy mô nền kinh tế ước đạt 78.000 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đạt 97,5 triệu đồng/người, tăng 8,9 triệu đồng/người so với năm 2023.

(Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Brazil. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Brazil tại Hà Nội

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Brazil.