Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp có 2 môn tự chọn, rất ít học sinh chọn thi môn lịch sử.
Lý giải hiện tượng ở thời điểm này, các chuyên gia hàng đầu về lịch sử cho rằng nguyên nhân chủ yếu do việc thi tốt nghiệp đã gắn bó chặt chẽ hơn với các môn thi tuyển vào đại học và với xu hướng nghề nghiệp lâu dài của mỗi thí sinh.
Trong thực tế thị trường lao động những người làm các việc chuyên sâu về lịch sử cũng chiếm một tỷ lệ không nhiều. Bên cạnh đó là nỗi lo canh cánh về những bất cập trong công tác dạy và học môn Lịch sử hiện chưa làm học sinh thấy thích thú và mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại.
Không nên đánh đồng việc lựa chọn môn thi với việc yêu thích học Sử
Phó giáo sư, tiến sỹ Nghiêm Đình Vì, Chủ tịch Hội đồng khoa học giáo dục bộ môn lịch sử, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: không nên đánh đồng chuyện lựa chọn môn thi với việc học sinh thích học Sử.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo, năm 2012-2013, số học sinh thi đại học khối C (bao gồm môn sử) chỉ có 65.000 đến 75.000/1,1 triệu lượt em, bằng 5-7%. Như vậy tại kỳ thi tốt nghiệp năm nay tỷ lệ chọn thi môn lịch sử cũng tương tự là điều dễ hiểu vì chỉ những học sinh thi vào ngành xã hội mới chọn môn này. So với mọi năm, tỷ lệ này không có sự giảm sút. Ngoài ra, với quy định thi mới áp dụng từ năm nay, học sinh vẫn phải học môn Sử vì kết quả quá trình học chiếm 50% tỷ lệ xét tốt nghiệp.
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho biết việc học sinh không thích lắm môn lịch sử đã tồn tại từ lâu, không phải chỉ năm nay. Nguyên nhân sâu xa vì quá trình dạy chưa tạo cho học sinh hứng thú, môn học trở thành gánh nặng cho học sinh.
Cần xác định triết lý dạy Sử
Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết đã có thời gian rất dài Việt Nam xây dựng chương trình áp đặt, không chú trọng ý kiến người học. Do vậy, phải tìm triết lý phù hợp người Việt Nam, phù hợp xu thế thời đại hiện nay, coi đó là căn cứ khoa học để xây dựng chương trình mới. Việc thay đổi căn bản việc dạy và học môn Lịch sử từ cung cấp kiến thức sang cung cấp kỹ năng, phương pháp tự học sẽ giúp người học có hứng thú hơn với môn học.
Theo phó giáo sư Nghiêm Đình Vì, thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa là việc khó nhưng không phải không làm được. Nội dung chương trình mới sau khi được xây dựng sẽ đưa ra hội đồng bộ môn, với sự tham vấn của các giáo sư khối sư phạm và cả khối xã hội nhân văn. Ngoài các giáo sư có kinh nghiệm như giáo sư Viện sỹ Phan Huy Lê, giáo sư Đinh Xuân Lâm… còn cả những giảng viên trẻ đã học tập kinh nghiệm ở nước ngoài và giáo viên phổ thông có kinh nghiệm.
Hiểu quá khứ để sống tốt hơn trong hiện tại
Trước ý kiến lo ngại chương trình lịch sử hiện nay gần như đồng nhất với lịch sử của các cuộc chiến tranh, trong khi thực tế những kinh nghiệm của cha ông trong gìn giữ hòa bình, hòa hiếu với lân bang, quản trị và xây dựng đất nước thời bình lại chưa được chú trọng và đề cập nhiều, giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng tại Việt Nam, lịch sử chiến tranh chiếm tỷ trọng lớn. Dân tộc Việt Nam không có giai đoạn lịch sử nào không phải đứng lên chống ngoại xâm.
Ý kiến của nhiều sử gia nước ngoài cho rằng nếu không hiểu lịch sử chiến tranh thì sẽ không hiểu đúng và đầy đủ lịch sử Việt Nam. Đó là đặc thù của Việt Nam và lịch sử các cuộc kháng chiến vẫn chiếm vai trò rất quan trọng. Lịch sử dân tộc là lịch sử đấu tranh nên phải giáo dục học sinh về lòng yêu nước. Điều này vẫn cần thiết trong thời đại hiện nay.
Tuy nhiên, có thực tế là lịch sử chiến tranh có lúc bị nhấn quá mức. Điều đó làm giới trẻ có cảm giác chiến tranh chi phối toàn bộ lịch sử. Nhiều bộ sách lịch sử trình bày về thế kỷ 13 chỉ về ba cuộc chiến chống quân Nguyên Mông gây hiểu lầm toàn bộ thế kỷ toàn chiến tranh, trong khi thực tế ba cuộc chiến này chỉ kéo dài trong vài tháng, còn lại là phát triển văn hóa, làm ăn, bang giao...
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ cho biết hiện nay, trong sách từ lớp 4 đã có các bài học về việc đắp đê của nhà Trần. Lớp 7 cũng có bài nói về thành lập nhà Trần, một bài nói về 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, một bài về phát triển kinh tế văn hóa thời Trần… Tuy nhiên, thời gian tới trong sách giáo khoa đổi mới cần tăng cường hơn những nội dung này nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ quá khứ để sống tốt hơn trong hiện tại.
Cần đổi mới đồng bộ công tác kiểm tra đánh giá, tuyển dụng
Tại một số nước, Lịch sử dân tộc là môn bắt buộc như Mỹ, Canada, Hàn Quốc. Ở đại học Hàn Quốc, những ngành khoa học tự nhiên vẫn phải học lịch sử để biết ứng xử trong điều hành công việc. Điều này giúp giáo dục tinh thần yêu nước, tính nhân văn cho học sinh khi ra đời công tác.
Tuy nhiên, muốn môn Sử trở thành môn học yêu thích ở phổ thông, theo giáo sư Vũ Minh Giang, không nên dùng các biện pháp mang tính bắt buộc mà phải thay đổi căn bản. Phải để học sinh nhận thức rằng Lịch sử không chỉ là môn học mà là lĩnh vực học thuật giúp nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện ý chí và bồi dưỡng ý thức đối với đất nước, dân tộc. Lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn góp phần xây dựng phẩm chất cần thiết cho người lao động ở nhiều ngành nghề.
Có những nghề tưởng như thuần túy về kỹ thuật và tự nhiên như khoa học máy tính nhưng người Mỹ luôn yêu cầu ứng viên phải có phông kiến thức về lịch sử, văn hóa, hay ngành quản trị kinh doanh cũng đòi hỏi phải am tường lịch sử, văn hóa để biết cách đối nhân xử thế, đổi mới thi tuyển đại học không nên bó hẹp trong phạm vi các khối A, B, C, D như trước mà nên linh hoạt, thích ứng, sát hợp từng ngành nghề và mở rộng cơ hội nhiều hơn cho các môn lịch sử, khoa học xã hội.
Chính vì thế theo giáo sư Vũ Minh Giang và phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ các nhà tuyển dụng cũng nên có các câu hỏi liên quan đến lịch sử. Như vậy, sẽ có sự đồng bộ và Lịch sử sẽ có được vị trí đúng trong xã hội.
Hiện nay định hướng Chương trình sách giáo khoa là tiếp cận nội dung, cung cấp kiến thức nên căn bệnh trầm kha là “quá tải” vì kiến thức quá nhiều. Dẫn đến tệ “học vẹt,” “học tủ” hay tệ nhất là quay cóp.
Đổi mới kiểm tra, thi cử theo hướng đánh giá năng lực là một định hướng đúng, tuy nhiều người cho rằng khó áp dụng với các môn tự luận nhưng theo giáo sư Vũ Minh Giang hoàn toàn có thể làm được cả ở môn Sử và ông nhấn mạnh: "Môn Sử nên là môn đổi mới tiên phong."./.