Ngôi nhà của mụ phù thủy trong câu chuyện cổ tích "Hansel và Gretel" cách đây hai thế kỷ đã truyền cảm hứng cho những thợ làm bánh để tạo nên những ngôi nhà bánh gừng xinh đẹp mê hoặc trẻ em khắp châu Âu và Mỹ.
Truyền thống trang trí nhà bánh gừng bắt đầu ở Đức vào đầu những năm 1800, được cho là có liên quan đến câu chuyện cổ tích "Hansel và Gretel" ra đời năm 1812.
Điều thú vị là câu chuyện này không hề liên quan đến Giáng sinh, mà được lấy cảm hứng từ lời mô tả của anh em nhà Grimm về ngôi nhà bánh ngọt mà mụ phù thủy tạo nên để dụ dỗ trẻ con, một ngôi nhà có “tường xây bằng bánh mỳ, mái lợp bằng bánh ngọt và cửa sổ làm bằng đường trắng trong suốt.”
Trong các phiên bản sau đó, ngôi nhà được trở thành bánh gừng. Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, những thợ làm bánh người Đức bắt đầu làm những ngôi nhà nhỏ được trang trí từ lebkuchen, chiếc bánh quy mật ong tẩm gia vị.
Gừng được trồng lần đầu tiên tại Trung Quốc từ 5.000 năm trước và được cho là có đặc tính chữa bệnh và ma thuật. Không rõ đến lúc nào thì công dụng bảo quản thức ăn của nó được phát hiện, nhưng các nhà sử học cho rằng công thức làm bánh với gừng đầu tiên được ghi lại có nguồn gốc từ 2.400 năm trước Công nguyên tại Hy Lạp.
Những người khác người khác lại cho rằng bánh gừng có từ năm 992 sau Công nguyên, khi tu sỹ người Armenia Gregory xứ Nicopolis được cho là đã dạy những người thợ làm bánh theo đạo Thiên chúa ở Pháp cách làm bánh. Cũng trong thời điểm đó, các nữ tu tại Thụy Điển đã nướng bánh gừng để giảm chứng khó tiêu.
Bánh gừng hình người được cho là xuất hiện vào triều đại của nữ hoàng Anh Elizabeth I, nơi bánh quy được làm theo hình ảnh của những vị khách quan trọng. Nó thậm chí còn được nhắc đến trong tác phẩm “Love's Labour's Lost” của Shakespeare năm 1598: "Nếu tôi chỉ còn lại 1 xu trong người, có lẽ tôi nên mua một chiếc bánh gừng.” “Truyện cổ Andersen” cũng kể về câu chuyện tình yêu vừa ngọt ngào vừa cay đắng của cặp đôi bánh gừng.
Ở nước Mỹ, bánh gừng hình người cũng rất được yêu thích từ. Câu chuyện dành cho trẻ em nổi tiếng lấy cảm hứng từ loại bánh này có tên “Cậu bé bánh gừng” (The Gingerbread Boy) xuất bản năm 1875 trở nên rất quen thuộc với nhiều cô bé, cậu bé.
Trong những năm tiếp theo, bánh gừng dần trở nên phổ biến khắp châu Âu, được sử dụng để trang trí khung cửa hoặc làm quà tặng trong các ngày lễ.
Trải qua thời gian dài và tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, chiếc bánh gừng đã có nhiều biến tấu phong phú. Lúc đầu bánh gừng làm từ vụn bánh mỳ với bột gừng, mật ong. Rồi sau đó thay thế bằng bột mỳ, không dùng mật ong, thêm bơ và trứng. Có nơi thì bánh gừng màu trắng, nâu nhạt hay nâu sậm.
Cho đến hiện tại, làm nhà bánh gừng đã trở thành một truyền thống trong các bữa tiệc gia đình hoặc các cửa hàng dịp Giáng Sinh trên toàn thế giới.
Những kỷ lục thú vị về bánh gừng
Ngôi nhà bánh gừng lớn nhất
Được làm tại Texas, Mỹ ngày 30/11/2013, ngôi nhà dài 18,28m, rộng 12,8m và cao 18.28m. Nguyên liệu để tạo nên ngôi nhà gồm 820kg bơ, 1.327kg đường nâu, 7.200 quả trứng, 3.266kg bột mỳ, 31kg gừng xay - và chứa tới 35,8 triệu calo.
Ngôi làng lớn nhất
Năm 2017, Jon Lovitch, bếp phó tại Khách sạn Marriott Marquis New York, đã phá kỷ lục lần thứ tư về "ngôi làng bánh gừng lớn nhất." Ngôi làng được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học New York.
Một ứng cử viên khác là Pepperkakebyen (Thị trấn bánh gừng) ở Bergen, Na Uy năm 2015. Ngôi làng này gồm hơn 2.000 tòa nhà riêng lẻ được thắp sáng, có cả tàu thuyền, ôtô và tàu hỏa. Nhưng chỉ có 1.020 công trình được làm bằng bánh gừng và kỷ lục này đã bị từ chối vì ngôi làng còn bao gồm các thành phần không ăn được.
Thị trấn bánh gừng ngoài đời thực
Thị trấn thời Trung cổ có tường bao quanh Dinkelsbühl, miền nam nước Đức, thường được coi là thị trấn có nhà bánh gừng ngoài đời thực.
Phần trung tâm thị trấn có lịch sử lâu đời và phong cảnh đẹp như tranh vẽ, với những ngôi nhà gỗ có đầu hồi màu vàng và màu đào, một nhà thờ, một quảng trường thị trấn nhỏ và những đường phố lát đá cuội. Tất cả đều được bảo tồn trong tình trạng tốt./.