Từ Worth, Balenciaga tới Yves Saint Laurent, Christian Dior hay John Galliano, một triển lãm có tính bước ngoặt khai trương tại Paris cuối tuần qua đã dẫn dắt người xem lần theo lịch sử của thời trang cao cấp qua những bộ váy đẹp nhất. Triển lãm này lần đầu tiên tập hợp hơn 100 biểu tượng sáng tạo trong lịch sử 150 năm thời trang cùng với những bức ảnh và tranh vẽ được lưu trữ. Câu chuyện bắt đầu với chiếc đầm tea dress cao cổ năm 1895 làm từ nhung xanh và lụa, được thiết kế bởi người được cho là cha đẻ của dòng thời trang cao cấp, Briton Charles Frederick Worth. Worth, sinh tại Lincolnshire ở miền đông nước Anh, đã khởi nghiệp kinh doanh tại Paris vào năm 1858 ở căn nhà số 7 phố Rue de la Paix. Tiếp theo đó là sự ra đời của những thương hiệu khác và đến năm 1911, Hiệp hội thời trang cao cấp Paris đã được thành lập. Tại một triển lãm nghệ thuật trưng bày được tổ chức tại thủ đô nước Pháp năm 1925, 75 hãng thời trang cao cấp đã có mặt. Thiết kế nổi bật nhất vào những năm 1920 và 1930 bao gồm chiếc váy đen chất liệu vải bóng có tên "Bel Oiseau" của Jeanne Lanvin năm 1929, và một chiếc áo choàng bằng lụa màu ngà của Madeleine Vionnet năm 1932, một chiếc váy "không tuổi" như thể mới được may ngày hôm qua. Người phụ trách triển lãm Olivier Saillard, giám đốc bảo tàng thời trang Galliera của Paris cho biết Vào năm 1930, tình hình kinh tế buộc các bộ sưu tập phải rút lại từ 400 thiết kế xuống còn 100. "Họ (các nhà thời trang) đã nhìn thấy được sự biến mất - do hậu quả của Thế chiến thứ nhất - của các khách hàng quý phái thường hay lui tới Paris," ông nói. Tuy nhiên, vào năm 1935, một mình Chanel đã thuê 4.000 công nhân để làm 28.000 sản phẩm một năm.
Hai mẫu váy áo của Chanel được trưng bày tại triển lãm (Nguồn: AFP)
Thế chiến thứ hai cũng giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp này và năm 1945 số lượng thiết kế cho mỗi bộ sưu tập lại giảm xuống còn 75 mẫu. Trong năm 1947, Christian Dior mở hãng thời trang cao cấp riêng của mình, năm 1952 là Hubert de Givenchy và Pierre Cardin. Vào năm 1953, có khoảng 59 hãng thời trang cao cấp. Đối với Saillard, những năm 1930 là "kỷ nguyên vàng" của phong cách thời trang cao cấp, nổi tiếng nhất ở Paris, tiếp theo là đến những 1950. Trong số những sáng tạo, đại diện cho thập kỷ thời trang đầy mê hoặc này là "Palmyre," một chiếc váy thêu không quai của Christian Dior. "Tất cả các nhà thiết kế trở lại những năm 1950, thời trang không thực sự thay đổi," Saillard nói. Trong năm 1961, Yves Saint Laurent thành lập hãng thời trang riêng của mình và ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào năm tiếp theo. Năm 1973, tuy nhiên, số lượng các hãng thời trang giảm xuống còn 25, với 3.120 nhân công, và đến năm 1990 con số này chỉ là 928. Ngày nay, khoảng 20 hãng thời trang tham gia vào thời trang cao cấp, tổ chức các buổi trình diễn hai lần một năm vào tháng 1 và tháng 7, với khoảng hàng chục trong số đó thuộc về hiệp hội thời trang cao cấp và có thể đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt như số lượng công việc được làm thủ công. Toàn bộ ngành công nghiệp này dựa trên khoảng vài trăm khách hàng trên toàn thế giới, mặc dù các nhà thiết kế báo cáo rằng con số này đang tăng nhờ những khách hàng mới từ bộ phận mới giàu lên của thế giới như Trung Quốc, Nga và Brazil. Triển lãm mang câu chuyện thời trang Paris vào kỷ nguyên hiện đại với bộ váy ôm sát màu be của Alaia từ năm 1990 và chiếc váy xòe satanh màu tím do John Galliano của Christian Dior thiết kế năm 2008.
Mẫu váy của nhà thiết kế người Italy Elsa Schiaparelli (1938-1939)
Khách tham quan có thể tự nhận xét thời trang cao cấp có thể đứng vững đến đâu trong thế kỷ 21, nhưng Saillard nói rằng ông thấy yên tâm khi "không chỉ các hãng như Dior hay Chanel mà còn có cả (Jean Paul) Gaultier, nơi những người trẻ tuổi hơn làm việc trong lĩnh vực được thừa kế này và cố gắng gìn giữ các kỹ năng của nghề." Trong khi đó, con số những người làm việc trong lĩnh vực thời trang còn lại hiện nay là khoảng 60.000 chỉ tính riêng ở Paris. "Thời trang cao cấp Paris" sẽ mở đến ngày 6/7 tại Hotel de Ville. Vào cửa miễn phí./.
S.N (Vietnam+)