Có giai thoại nói rằng vào thế kỷ thứ 16, một nhóm tu sỹ người Bồ Đào Nha đang đi thuyền đến Macao thì gặp thời tiết xấu. Thay vì tới đích đến dự định, họ đã cập bến Nagasaki, Nhật Bản.
Cuộc gặp gỡ tình cờ đó đã làm thay đổi nền ẩm thực của Nhật Bản khi các tu sỹ mang đến đất nước này một gia vị độc đáo được nhiều người yêu thích: đường.
Ở thời điểm này, Nagasaki, nằm ở phía Tây đảo Kyushu, là nơi kết nối giao thương quốc tế duy nhất tại Nhật Bản. Do đó, người dân nơi đây lập tức đã “bùng nổ” niềm đam mê với sở thích ăn ngọt với các món tráng miệng trứ danh.
Nhiều món “wagashi” (đồ ngọt truyền thống của Nhật) được yêu thích ngày nay có nguồn gốc từ Kyushu.
Một trong số đó là “castella,” một loại bánh ngọt được truyền cảm hứng từ người Bồ Đào Nha. Điều làm nên sự khác biệt của loại bánh nổi tiếng này chính là xirô mizuame, hay còn gọi là kẹo nước, được làm từ gạo nếp.
Với những du khách lần đầu muốn trải nghiệm loại bánh ngon nhất nhì Xứ sở Hoa anh đào thì hãy ghé thử Fukusaya. Đây là chuỗi cửa hàng bánh nổi tiếng được ra đời vào năm 1624 tại Nagasaki.
Tại Fukuoka, thành phố lớn nhất trên đảo Kyushu, chi nhánh chính của Fukusaya nằm trong khu phố Akasaka sầm uất, rất thuận tiện cho cả du khách lẫn người dân địa phương.
Bánh castella tại đây được cắt thành những miếng vuông, gói riêng trong bao bì sặc sỡ và để vào hộp quà.
Theo một nhân viên của Akasaka, loại castella cổ điển luôn được bán chạy nhất. Ngoài ra, sẽ có những hương vị đặc biệt cho các ngày lễ như sakura (hoa anh đào) vào mùa Xuân hay chocolate vào dịp Giáng sinh.
Castella (hay “kasutera” trong tiếng Nhật) còn được áp dụng để làm ra “dorayaki,” một loại bánh ngọt Nhật Bản nổi tiếng khác. Loại bánh Castella này mỏng hơn, cắt thành hình tròn nhỏ thành dạng bánh pancake với một lớp nhân đậu đỏ ngọt ngào bên trong.
Sự giao thoa Á-Âu trong ẩm thực Nhật Bản
Macaron - một món ngọt châu Âu khác được “Nhật hóa” với tên gọi “makaron,” làm từ bột đậu phộng thay vì bột hạnh nhân và bao gồm các hương vị truyền thống của Nhật Bản như trà xanh hoặc đậu đỏ.
Michele Abbatemarco, đầu bếp bánh ngọt của nhà hàng Est tại Four Seasons Tokyo cho biết: “Tôi nghĩ người Nhật thực sự thích các loại bánh ngọt châu Âu, đặc biệt là bánh Pháp.”
Hạt dẻ Hitomaru - hương vị mùa Thu trong ẩm thực Nhật Bản
“Trong 50 năm qua, bánh ngọt đã có bước phát triển lớn ở Nhật Bản, với sự xuất hiện của các món mới và sự sáng tạo trong công thức và kỹ thuật làm bánh. Chính vì điều đó nên nhiều tiệm bánh ngọt ở nhiều quốc gia khác đều lấy cảm hứng từ các sản phẩm của Nhật Bản,” Abbatemarco nói thêm.
Kitajima là một thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng tại đảo Kyushu, với cửa hàng chính nằm tại thành phố Saga. Thương hiệu này nổi tiếng với việc kết hợp giữa ẩm thực châu Âu và Nhật Bản trong các sản phẩm bánh ngọt của mình.
Một số loại bánh bán chạy nhất tại đây có thể kể tới như những chiếc bánh quy marubolo lấy cảm hứng từ Bồ Đào Nha, được làm bằng mật ong, hay bánh madeleine kiểu Pháp với quả óc chó được thêm vào để tạo kết cấu, và bánh Margaret, được làm bằng bột hạnh nhân và được tạo hình thành những bông hoa.
Di sản của hoàng gia
Một trong những loại kẹo phổ biến và dễ nhận biết nhất của Nhật Bản là “konpeito.” Những viên kẹo đường nhỏ có màu sắc nhạt này trông giống như những ngôi sao hoặc bông hoa kết tinh.
Tên gọi "konpeito" được cho là bắt nguồn từ "confeito" trong tiếng Bồ Đào Nha, chỉ một loại kẹo được các nhà buôn đường đã đem đến Nhật Bản.
Kích thước nhỏ của các loại kẹo không chỉ để làm chúng trở nên “đáng yêu hơn,” mà còn phản ánh giá trị của đường.
Trước đây, đường là một nguyên liệu rất đắt đỏ và hiếm hoi. Việc sản xuất đòi hỏi công đoạn phức tạp và tốn kém, do đó đường trở thành một nguyên liệu quý giá và chỉ có sẵn cho tầng lớp giàu có và quyền lực, ví dụ như gia đình Hoàng gia Nhật Bản.
Theo truyền thống, các vị khách Hoàng gia - chẳng hạn như nguyên thủ quốc gia hay thành viên hoàng gia khác - sẽ nhận được những hộp kẹo bằng bạc được gọi là “bonbonnieres” (tiếng Pháp có nghĩa là “hộp kẹo”) để làm quà chào mừng khi tham dự các sự kiện quan trọng.
Những hộp kẹo này được chế tạo bởi Công ty bạc Miyamoto Shoko ở Tokyo và được trang trí bằng một bông hoa cúc, biểu tượng của gia đình hoàng gia Nhật. Người nhận sẽ tìm thấy konpeito bên trong bonbonieres.
Từ quá khứ đến tương lai
Ngày nay, một số đầu bếp ở Nhật Bản đang nỗ lực khôi phục lại những món tráng miệng cổ truyền trước khi đường được du nhập vào quốc gia này.
Abbatemarco là một trong số đó. Trong hơn một thập kỷ làm việc tại Nhật, ông đã tìm kiếm được một số loại mật ong quý hiếm được sử dụng để tạo vị ngọt cho các món truyền thống.
Tại Est, một nhà hàng Pháp được gắn sao Michelin của Four Seasons, Abbatemarco và các cộng sự của ông làm ra các món bánh nhỏ có hương vị mật ong kiều mạch, mật ong soba, wasanbon (một loại đường trắng hạt mịn) và các món ngon địa phương khó tìm khác.
Đối với ông, đây là cách để tôn vinh các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản, cũng như quảng bá những hương vị ẩm thực truyền thống tới khách hàng./.