Ngày 31/3, Đại hội Nhân dân Toàn quốc tại Libya (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) đã bỏ phiếu phế truất Thủ tướng chính phủ do cơ quan này thành lập ở Tripoli, ông Omar al-Hassi.
Động thái này được cho là có thể giúp phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết tại Libya.
Người phát ngôn GNC Omar Hemaidan cho biết GNC quyết định bỏ phiếu bãi nhiệm ông al-Hassi sau khi 70 thành viên GNC và 16 bộ trưởng trong chính phủ đệ trình một báo cáo chỉ trích kết quả “nghèo nàn” của ông al-Hassi trong việc điều hành chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời đe dọa đồng loạt từ chức nếu ông al-Hassi không bị sa thải.
GNC quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng thứ nhất Khalifa Ghwail tạm nắm giữ quyền điều hành chính phủ này cho tới khi bầu được thủ tướng mới.
Theo người phát ngôn Hemaidan, việc sa thải ông al-Hassi có thể là một bước tiến hướng tới một thỏa thuận giữa GNC với quốc hội đối địch được quốc tế công nhận.
Các nguồn tin khu vực cho rằng ông al-Hassi bị sa thải do không tìm được sự công nhận của quốc tế đối với chính quyền ở Tripoli, cũng như thất bại khi không đạt được thỏa thuận với chính phủ được quốc tế công nhận ở thị trấn miền Đông Tobruk về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội - GNC ở thủ đô Tripoli và Quốc hội được quốc tế công nhận (HoR) ở Tobruk. Dưới sự trung gian của Liên hợp quốc, HoR và GNC đang tiến hành đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng xung đột và thành lập chính phủ lâm thời.
Theo đề xuất của hai bên, Libya sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết do một tổng thống đứng đầu, một hội đồng tổng thống gồm các nhân vật độc lập tồn tại song song với một quốc hội và một hội đồng nhà nước tối cao. Ngoài ra, các bên cũng đề xuất thành lập một hội đồng an ninh quốc gia, một hội đồng các chính quyền tự trị và một ủy ban soạn thảo hiến pháp trong giai đoạn chuyển tiếp. Libya sẽ tổ chức bầu cử sau khi tiến hành trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới./.