Libya tăng các biện pháp an ninh ngăn chặn khủng bố ở Benghazi

Chính phủ đã chỉ thị lắp đặt các camera và hệ thống giám sát tại các thánh đường Hồi giáo trong thành phố Benghazi và truyền tín hiệu đến phòng an ninh của Bộ Nội vụ.
Libya tăng các biện pháp an ninh ngăn chặn khủng bố ở Benghazi ảnh 1Hiện trường một vụ đánh bom tại Benghazi, Libya ngày 9/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/2, Chính phủ Libya ở miền Đông đã thông qua một gói các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Libya cho biết sau cuộc họp khẩn với Thủ tướng Abdullah Thanni, nội các Libya và giới chức an ninh của thành phố Benghazi đã nhất trí tăng cường các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố tại thành phố này. Theo đó, chính phủ đã chỉ thị lắp đặt các camera và hệ thống giám sát tại các thánh đường Hồi giáo trong thành phố Benghazi và truyền tín hiệu đến phòng an ninh của Bộ Nội vụ.

Để thực hiện kế hoạch này, Libya sẽ mua bốn thiết bị phát hiện chất nổ trị giá 12 triệu USD và 700 chiếc camera giám sát. Tại cuộc họp khẩn, các nhà lãnh đạo Libya cũng nhất trí khôi phục lực lượng cảnh sát và khởi động các lực lượng bộ binh cũng như sử dụng chó nghiệp vụ.

[Libya ban bố cảnh báo an ninh mức cao nhất ở thành phố Beni Walid]

Các biện pháp trên được đưa ra sau khi xảy ra hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu tại thành phố Benghazi. Ít nhất 34 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong hai vụ đánh bom xe liên tiếp nhằm vào một thánh đường Hồi giáo tại quận Salmani ở thành phố Benghazi cách đây hai tuần.

Mới đây nhất, một vụ nổ xảy ra tại một thánh đường Hồi giáo ở Benghazi hôm 9/2 vừa qua đã khiến hai người thiệt mạng và 143 người khác bị thương. Hiện chưa có nhóm nào nhận đã tiến hành loạt vụ tấn công trên, tuy nhiên điều tra ban đầu cho thấy đây có thể là hành động của các tổ chức khủng bố.

Libya hiện bị chia rẽ thành hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. Theo một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian được ký kết tại Maroc hồi cuối năm 2015, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đã được thành lập với thời hạn hoạt động trong một năm và chỉ được gia hạn một lần.

Tuy vậy, trên thực tế, Libya vẫn bị chia rẽ, với GNA có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền được Tướng Haftar hậu thuẫn đóng tại miền Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục