Libya quyết định nối lại hoạt động tại cảng dầu chủ chốt

Libya nối lại hoạt động sản xuất tại mỏ dầu Al-Sharara lớn nhất nước này cũng như hoạt động tiếp nhận dầu thô tại cảng dầu quan trọng Zawiya thuộc quyền kiểm soát của chính phủ.
Libya quyết định nối lại hoạt động tại cảng dầu chủ chốt ảnh 1Mỏ dầu Al-Sharara. (Nguồn: Reuters)

Ngày 22/7, công ty Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết đã nối lại hoạt động sản xuất tại mỏ dầu Al-Sharara lớn nhất nước này cũng như hoạt động tiếp nhận dầu thô tại cảng dầu quan trọng Zawiya thuộc quyền kiểm soát của chính phủ.

Những hoạt động này đã bị gián đoạn trong ba ngày qua do đường ống nối giữa mỏ dầu và cảng dầu trên bị cắt đứt.

Thông báo của NOC nêu rõ công ty này đã dỡ bỏ tình huống "bất khả kháng" đối với hoạt động tiếp nhận dầu thô từ cảng Zawiya, sau khi mở van bị khóa của đường ống dẫn dầu nối giữa mỏ Sharara và cảng này.

[Libya: Cảng dầu chủ chốt Zawiya bị gián đoạn hoạt động]

Trước đó, ngày 21/7, NOC đã ngừng nhận dầu thô từ cảng Zawiya do "bất khả kháng" sau khi đường ống dẫn dầu nêu trên bị một nhóm chưa xác định danh tính đóng van một cách bất hợp pháp vào tối 19/7.

"Bất khả kháng" là lý do pháp lý cho phép một công ty không phải thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp bị rơi vào tình huống không thể kiểm soát.

Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla đã lên án vụ việc kể trên là "hành vi phạm pháp," đồng thời khẳng định công ty sẽ phối hợp với chính quyền để "điều tra và truy tố" những đối tượng liên quan.

Những hành động cố ý phá hoại các đường ống dẫn và sản xuất gây tổn thất doanh thu của quốc gia cũng như nguồn cung cấp năng lượng quan trọng hằng ngày cho người dân Libya.

Việc đình trệ sản xuất dầu mới nhất này đã khiến Libya thiệt hại khoảng 19 triệu USD xuất khẩu/ngày.

Xuất khẩu dầu hiện nay mang lại nguồn thu chính cho Libya - quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất tại châu Phi. Mỏ dầu Al-Sharara, cách thủ đô Tripoli khoảng 900km về phía Nam có công suất 315.000 thùng dầu/ngày, tương đương gần 1/3 sản lượng dầu thô của Libya.

Mỏ dầu này thường xuyên là mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang. Các giếng dầu, đường ống và các cảng dầu thường xuyên bị các nhóm vũ trang tấn công, chiếm giữ để đưa ra các yêu sách về chính trị hoặc tiền bạc.

Trước đó, NOC đã tuyên bố tình huống "bất khả kháng" tại Al-Shahara vào tháng 12/2018 sau khi mỏ dầu này bị một nhóm vũ trang chiếm giữ. Sau đó, mỏ dầu này đã nối lại hoạt động khi quân đội miền Đông giành quyền kiểm soát vào tháng 2/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục