Libya: GNC khẳng định không tham gia đối thoại tại Geneva

Ngày 21/1, Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC-cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã quyết định sẽ ngừng tham gia cuộc đối thoại chính trị do Liên hợp quốc làm trung gian.
Libya: GNC khẳng định không tham gia đối thoại tại Geneva ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 21/1, Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC-cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã quyết định ngừng tham gia cuộc đối thoại do Liên hợp quốc làm trung gian. Lý do đưa ra là sự gia tăng của các chiến dịch quân sự tại thành phố Benghazi ở miền Tây.

Các phe phái chính trị ở Libya đã bắt đầu cuộc đối thoại ở trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 14/1 vừa qua dưới sự chủ trì của Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Bernardino Leon nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay thông qua một thỏa thuận ngừng bắn và thành lập một chính phủ đoàn kết.

Cuộc đối thoại đã thu hút sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế của Libya, cùng đại diện các nhóm vũ trang, lãnh đạo các bộ tộc. Ngày 18/1, GNC đã chấp nhận đối thoại nhưng với điều kiện cuộc thương lượng này phải diễn ra tại Libya và Tòa án Tối cao Libya phải giải tán Quốc hội được quốc tế công nhận. 

Tuy nhiên, đến ngày 21/1, người phát ngôn GNC Omar Hemidan khẳng định rõ rằng các đại diện của GNC sẽ không tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào do Liên hợp quốc làm trung gian nữa.

Lý do là lực lượng do Tướng Khalifar Haftar đứng đầu đã leo thang các chiến dịch quân sự trong hai ngày qua tại Benghazi và tấn công chi nhánh Ngân hàng trung ương Libya tại đây. Hiện chưa có tuyên bố chính thức nào từ phía quân đội hay ngân hàng trung ương về việc này.

Liên minh Hồi giáo Fajir Libya (Bình minh Libya), ủng hộ GNC, cũng từ chối đàm phán vì hoài nghi cuộc đối thoại này "là nhằm thực hiện lịch trình của nước ngoài và gia tăng xung đột tại Libya". Hồi tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại thị trấn Ghadames, nhưng GNC cũng không tham gia.

Trước đó, ngày 18/1, Fajir Libya đã tuyên bố "ngừng bắn trên toàn mặt trận" trong khi quân đội chính phủ cũng nhất trí ngừng bắn nhưng nhấn mạnh sẽ tiếp tục truy quét "các phần tử khủng bố."

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya rơi vào tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội cùng nhiều nhóm vũ trang. Bạo lực đã làm ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục