Libya đóng cửa mỏ dầu El Feel khiến nguồn cung bị gián đoạn

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cho biết “tình trạng bất khả kháng” tại mỏ dầu El Feel với lý do “tình hình hiện tại” khiến tập đoàn không thể thực hiện các hoạt động bơm nạp dầu thô.

Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) ngày 2/9 đã chính thức đóng cửa mỏ dầu El Feel ở khu vực Tây Nam Libya, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung ở quốc gia Bắc Phi trong bối cảnh vòng xoáy khủng hoảng chính trị ngày càng diễn biến phức tạp tại Libya.

Tuyên bố của NOC có nội dung đề cập đến “tình trạng bất khả kháng” tại mỏ dầu El Feel với lý do “tình hình hiện tại” khiến tập đoàn không thể thực hiện các hoạt động bơm nạp dầu thô.

Trước đó, ngày 26/8, chính quyền ở miền Đông Libya, được sự hậu thuẫn của Tướng Khalifa Haftar - Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya, đã tuyên bố đóng cửa tất cả các mỏ dầu cũng như đình chỉ mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của quốc gia Bắc Phi.

Động thái mới nhất của chính quyền miền Đông được đưa ra sau khi Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) tại Tripoli do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah đứng đầu quyết định cách chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya (CBL) Sadiq Al Kabir.

Người đứng đầu CBL chịu trách nhiệm quản lý và phân phối các nguồn doanh thu từ dầu mỏ cho hai chính quyền song song ở Libya.

Trong tuyên bố, NOC khẳng định do tình hình hiện tại nằm ngoài tầm kiểm soát, tập đoàn buộc phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ El Feel từ ngày 2/9.

Với sản lượng khoảng 70.000 thùng/ngày, mỏ El Feel hiện được vận hành bởi Mellitah Oil and Gas - liên doanh giữa NOC và tập đoàn năng lượng Eni của Italy. NOC cho biết tổng sản lượng dầu thô của Libya đã giảm mạnh từ mức hơn 1,17 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào tháng 7/2024, thời điểm trước khi các mỏ dầu bị phong tỏa, xuống còn 591.000 thùng/ngày như hiện nay.

Nhà phân tích cấp cao Svetlana Tretyakova tại hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy nhận xét: “Libya đang phải đối mặt với những rủi ro sụt giảm đáng kể trong ngành dầu mỏ do bất ổn chính trị. Tình trạng hiện nay có thể khiến sản lượng dầu thô của nước này tiếp tục sụt giảm hơn nữa."

Libya sở hữu một số loại dầu ngọt rẻ nhất ở Bắc Phi, song phần lớn loại dầu này vẫn chưa được khai thác trở lại sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Muammar Qaddafi hồi năm 2011.

Kể từ năm 2020, hoạt động sản xuất dầu của Libya đã tương đối ổn định với sản lượng đạt khoảng 1-1,1 triệu thùng/ngày, ngoại trừ giai đoạn từ tháng 5-6/2022.

NOC đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu thô lên mức 2,1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, từ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào tháng 7/2024.

Mặc dù giá dầu ban đầu bật tăng sau thông tin về lệnh phong tỏa các mỏ dầu ở Libya, song vẫn khép lại tuần giao dịch vừa qua ở mức thấp hơn. Giá dầu Brent đã chứng kiến mức giảm 1,4% vào cuối phiên giao dịch ngày 30/8.

Diễn biến này phản ánh sự cân nhắc của giới giao dịch về tác động từ các thông tin cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ tăng sản lượng theo kế hoạch trong quý 4/2024 để bơm thêm 180.000 thùng/ngày ra thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục