Giới chuyên gia nhận định một thập niên sau khi Libya rơi vào hỗn loạn, một loạt quốc gia đang quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng trị giá nhiều tỷ USD ở quốc gia giàu dầu mỏ này nếu tình hình ổn định tại đây được đảm bảo.
Chuyên gia kinh tế Libya Kamal al-Mansouri cho rằng nỗ lực tái thiết của Libya sẽ là một trong những nỗ lực lớn nhất ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Ông Mansouri ước tính hơn 100 tỷ USD là cần thiết để xây dựng lại đất nước Libya, nơi đã rơi vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn chính trị kể từ cuộc chính biến năm 2011.
Italy, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ được trao phần lớn các dự án tái thiết ở Libya.
Tại thủ đô Tripoli, hàng chục cần cẩu rỉ sét và nhiều tòa nhà chưa hoàn thành nằm rải rác bên bờ biển, cho thấy cho hàng trăm dự án trị giá nhiều tỷ USD được khởi công trong giai đoạn từ năm 2000-2010 đã bị bỏ hoang.
Sau cuộc chính biến mùa Xuân năm 2011, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn phức tạp cả về chính trị và an ninh. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ đã được các phe phái chính trị tại Libya ký kết vào tháng 10/2020, mở đường cho việc thành lập một chính quyền lâm thời vào tháng 3/2021.
[Libya: JMC yêu cầu tạm ngừng các thỏa thuận quân sự với nước ngoài]
Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) do Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah đứng đầu được giao nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 24/12 nếu các phe phái chính trị thống nhất được một khuôn khổ pháp lý đúng thời hạn.
Lãnh đạo các quốc gia phương Tây và khu vực, với những đoàn doanh nghiệp lớn, đã đến thăm Libya để làm việc với GNU. Trong đó phải kể đến chuyến thăm Libya của Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio và người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ ENI (Italy).
Vào tháng 5/2021, Thủ tướng Dbeibah đã đến thăm Rome và nhất trí với người đồng cấp Italy Mario Draghi về việc mở rộng hợp tác trong các dự án năng lượng.
Italy đặt mục tiêu bảo vệ các lợi ích thương mại của mình ở Libya, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Trong khi đó, Eni là một đoàn năng lượng hàng đầu. Eni được cho là đã đề xuất xây dựng một nhà máy quang điện ở miền Nam Libya.
Vào tháng 6/2021, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đã đến thăm Libya, cùng với một phái đoàn doanh nghiệp. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Tunisia và Algeria cũng đang chạy đua để giành các hợp đồng tái thiết béo bở tại Libya.
Một phái đoàn của tập đoàn năng lượng Tatneft (Nga) đã đến thăm Tripoli vào tháng 6/2021 để nghiên cứu các dự án thăm dò dầu khí.
Chuyên gia Libya Jalel Harchaoui thuộc tổ chức Global Initiative cho biết: "Libya đã không xây dựng được gì trong 10 năm qua. Là quốc giàu có nhưng Libya đã không bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng của mình." Một thập niên bạo lực đã tàn phá các sân bay, đường sá và mạng lưới điện.
Theo giới phân tích, Libya hiện không thiếu các dự án lớn và nhiều nhà thầu quốc tế muốn đến làm ăn tại đây, nhưng các nhà đầu tư vẫn băn khoăn liệu bất ổn có quay trở lại đất nước Bắc Phi này hay không.
Sự chia rẽ đã tàn phá nền kinh tế Libya và làm phức tạp hóa vấn đề quản lý nguồn thu từ dầu mỏ, từ đó làm suy giảm nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này.
Xét về khía cạnh chính trị và kinh tế, dự luật ngân sách năm 2021 của Libya hiện vẫn chưa được thông qua và các nỗ lực do Liên hợp quốc đứng đầu để tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối năm nay dường như đang vấp phải nhiều thách thức./.