Quốc hội Libya ngày 7/2 đã bắt đầu phiên điều trần liên quan đến các ứng cử viên triển vọng có thể thay thế Thủ tướng lâm thời Abdulhamid Dbeibah.
Thông báo của Quốc hội Libya cho hay 2 trong 7 ứng cử viên đã lọt vào vòng cuối cùng để bầu chọn người thay thế Thủ tướng Dbeibah trong cuộc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp này vào ngày 10/2 tới.
Hai ứng cử viên này là cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha (59 tuổi) và ông Khaled al-Bibass (51 tuổi) - một cựu quan chức Bộ Nội vụ.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Libya, ông Bashagha bày tỏ mong muốn thống nhất các thể chế nhà nước bị chia rẽ, cải thiện tình hình an ninh và khôi phục các dịch vụ công. Ông cũng cam kết không ra ứng cử trong những cuộc bầu cử tương lai.
Trong khi đó, ông al-Bibass cam kết sẽ cố gắng làm việc để giải quyết tình trạng chia rẽ đất nước hiện nay và chống lạm phát.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) của Thủ tướng Dbeibah lên nắm quyền điều hành đất nước cách đây một năm, với nhiệm vụ dẫn dắt Libya tới những cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong tháng 12/2021, nhằm đưa quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài hơn 10 năm qua.
[Libya kêu gọi Liên minh châu Phi ủng hộ nỗ lực tổ chức bầu cử]
Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc bầu cử bị hoãn vô thời hạn, trong bối cảnh các phe phái ở Libya chia rẽ sâu sắc về cơ sở hiến pháp để tổ chức những sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Aguila Saleh đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm thay thế ông Dbeibah.
Cả Chủ tịch Quốc hội Saleh và Thủ tướng lâm thời Dbeibah đều là các ứng cử viên tổng thống. Ông Dbeibah tuyên bố sẽ chỉ chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân cử.
Theo đánh giá của giới phân tích, việc bầu chọn thủ tướng mới có thể châm ngòi cho những cuộc tranh giành quyền lực mới giữa miền Đông và miền Tây Libya.
Trong một diễn biến khác, tại phiên họp ngày 7/2, với sự tham dự của 116 nghị sĩ, Quốc hội Libya đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết do Ủy ban Lộ trình thuộc cơ quan lập pháp này đưa ra.
Theo dự thảo nghị quyết, quá trình bầu cử ở Libya sẽ diễn ra trong khoảng thời gian không quá 14 tháng kể từ ngày sửa đổi hiến pháp./.