Libya: Các phe phái đạt thỏa hiệp về ban lãnh đạo mới của Ngân hàng trung ương

Hai cơ quan lập pháp đối địch ở Libya đã ký tắt một thỏa thuận về các thủ tục, tiêu chí và mốc thời gian để bổ nhiệm Thống đốc, Phó Thống đốc và Hội đồng quản trị cho Ngân hàng Trung ương Libya.
Ngân hàng Trung ương Libya ở Tripoli, ngày 26/8/2024. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 25/9, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết 2 cơ quan lập pháp đối địch ở Libya đã đạt được thỏa thuận ban đầu về việc bổ nhiệm một ban quản lý mới cho Ngân hàng trung ương nước này.

Tuyên bố của UNSMIL nêu rõ: "Sau một vòng tham vấn mới do UNSMIL tạo điều kiện liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ngân hàng Trung ương Libya (CBL), các đại diện từ Hạ viện (HoR) và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS) đã đạt được thỏa hiệp về việc bổ nhiệm ban lãnh đạo mới cho ngân hàng này."

Theo UNSMIL, hai bên đã ký tắt một thỏa thuận về các thủ tục, tiêu chí và mốc thời gian để bổ nhiệm Thống đốc, Phó Thống đốc và Hội đồng quản trị cho Ngân hàng Trung ương Libya, theo các điều khoản của Thỏa thuận chính trị Libya.

Tuyên bố của UNSMIL cho biết thêm buổi lễ ký thỏa thuận chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 26/9.

Căng thẳng đã leo thang kể từ khi Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) đóng tại thủ đô Tripoli, phía Tây Libya quyết định phế truất Thống đốc ngân hàng trung ương kỳ cựu Sadiq al-Kabir.

HoR sau đó đã bác bỏ quyết định này, khiến chính phủ có trụ sở tại phía Đông Libya ra lệnh đóng cửa tất cả các cảng và mỏ dầu do họ kiểm soát.

Kể từ khi cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011, Libya đã phải vật lộn với tình trạng bị chia cắt.

Đất nước này hiện do hai chính quyền đối địch chính lãnh đạo gồm chính quyền ở phía Đông, được HoR hậu thuẫn và chính quyền ở phía Tây, tại Tripoli.

Sự chia rẽ này đã dẫn đến các cuộc đụng độ thường xuyên, các tuyên bố cạnh tranh về tính hợp pháp và các cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên, bao gồm cả dầu mỏ.

Bất chấp nhiều nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế, Libya vẫn bất ổn về mặt chính trị và bị chia rẽ.

Ngân hàng Trung ương Libya là cơ sở duy nhất tại nước này được quốc tế công nhận là địa chỉ hợp pháp để nhận tiền bán dầu mỏ, vốn là nguồn thu sống còn của quốc gia Bắc Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục