Libya: Các nhóm phiến quân nhất trí ngừng giao tranh ở Nam Tripoli

Các nhóm phiến quân đối địch tại Libya đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới, qua đó chấm dứt gần một tuần xung đột đẫm máu tại phía Nam thủ đô Tripoli.
Libya: Các nhóm phiến quân nhất trí ngừng giao tranh ở Nam Tripoli ảnh 1Binh sỹ thuộc lực lượng quân đội miền Đông trong chiến dịch chống phiến quân ở Benghazi, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhóm phiến quân đối địch tại Libya đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới, qua đó chấm dứt gần một tuần xung đột đẫm máu tại phía Nam thủ đô Tripoli.

Trong thông báo đề ngày 21/1 , Bộ Y tế Libya cho biết kể từ ngày 16/1 vừa qua, đụng độ giữa các nhóm vũ trang từ thủ đô Tripoli và phiến quân Lữ đoàn 7 từ thành phố Tarhuna, phía Đông Nam thủ đô, đã khiến 16 người thiệt mạng và 65 người bị thương.

Theo thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa các quan chức của Tripoli và Tarhuna, các tay súng của Lực lượng Bảo vệ Tripoli và Lữ đoàn 7 sẽ lần lượt rút khỏi hai thành phố này.

Thỏa thuận cũng mở ra việc trao đổi tù nhân và thi thể các tay súng chết trong các cuộc đụng độ.

Trên mạng xã hội Twitter, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame đã gửi lời cảm ơn đến các thủ lĩnh bộ lạc tại Bani Walid vì những nỗ lực của họ, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên được thực thi thành công.

[Liệu IS có cản trở giải pháp chính trị cho Libya trong năm 2019?]

Các cuộc giao tranh mới nhất đã nổ ra tiếp sau các vụ đụng độ trong và xung quanh thủ đô Tripoli giữa quân chính phủ và lực lượng dân quân vũ trang từ thành phố Tarhuna, khiến ít nhất 117 người thiệt mạng và 400 người bị thương trong hai tháng từ tháng 8 đến tháng 9 năm ngoái.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.

Hiện biên giới của Libya với một số quốc gia như Chad và Sudan đang là nơi ẩn náu và hoạt động của các nhóm phiến quân, trong đó, một số chuyên làm nhiệm vụ là lính đánh thuê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục