Ngày 9/6, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã bác bỏ một dự thảo kiến nghị thành lập chính phủ thống nhất và rút khỏi các cuộc đàm phán.
Theo một nghị sỹ nước này, Quốc hội Libya cũng cấm các nghị sỹ tới Đức tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu và Bắc Phi để thảo luận về đề xuất của Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon nhằm chấm dứt cuộc tranh giành quyền lực tại quốc gia này.
Trước đó, cuối ngày 8/6, tại cuộc hội đàm ở Maroc, ông Leon đã đưa ra đề xuất thứ tư kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp đoàn kết trong vòng một năm, trong đó một hội đồng bộ trưởng do thủ tướng đứng đầu cùng hai phó thủ tướng sẽ nắm quyền điều hành đất nước.
Hạ viện sẽ là cơ quan lập pháp duy nhất và cơ quan cố vấn Hội đồng quốc gia gồm 120 thành viên, trong đó có cả thành viên của Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Libya được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn).
Ngày 9/6, Đặc phái viên Leon cho biết các phe đối địch ở Libya đã có phản hồi tích cực đối với dự thảo thỏa thuận hòa bình trên.
Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.
Liên minh Hồi giáo vũ trang mang tên Bình minh Libya chiếm Tripoli hồi tháng 8/2014 và thành lập chính phủ tại thủ đô, trong khi chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.
Xung đột tại Libya gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, làm ít nhất 120.000 người phải sơ tán, đẩy nước này vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.
Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe đối địch ở Libya, song đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn./.