Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã đưa ra thời hạn ngày 14/2 tới Hội đồng tổng thống nước này giới thiệu thành phần chính phủ đoàn kết dân tộc mới.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Tổng thống Libya gồm 9 thành viên phải giới thiệu danh sách các thành viên chính phủ vào ngày 10/2, nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị cũng như chấm dứt tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, Thủ tướng được chỉ định Fayez el-Sarraj hôm 8/2 đã đề nghị kéo dài thời hạn thêm 1 tuần.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler cho biết Hội đồng Tổng thống Libya sẽ nhóm họp tại Skhirat (Maroc) nhằm đưa ra một danh sách tốt nhất các thành viên chính phủ đoàn kết dân tộc.
Chính phủ đầu tiên của Libya gồm 32 bộ trưởng được thành lập ngày 19/1 đã bị Quốc hội được quốc tế công nhận bác bỏ do có quá nhiều bộ trưởng. Theo yêu cầu của Quốc hội, Thủ tướng được chỉ định Fayez el-Sarraj phải đề xuất một chính phủ với số lượng bộ trưởng ít hơn trong vòng 10 ngày.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là Quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.
Tình trạng trên đẩy Libya vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Lợi dụng sự bất ổn, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại nước này./.