Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập vừa có bài phân tích về tình hình ở Liban hiện nay, trong đó cho rằng với sự gia tăng đột biến về số ca mắc COVID-19 và các vấn đề liên quan đến việc thành lập chính phủ mới đang làm trầm trọng thêm tình hình tại một đất nước vốn đã chìm trong khủng hoảng này.
Bị tàn phá bởi hai vụ nổ, vốn phá hủy nhiều khu vực rộng lớn của thủ đô Beirut hồi đầu tháng, Liban hiện đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19. Đây được coi là chất xúc tác khiến quyền lực của Chính phủ Liban đã bị suy giảm hoàn toàn sau khi họ từ chức sau vụ nổ ở Beirut.
Số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã tăng đột biến kể từ sau vụ nổ ở Beirut, trong khi các cuộc biểu tình chống chính quyền vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước.
Ngày 18/8, nhà chức trách Liban đã thông báo về việc áp dụng lệnh phong tỏa mới và lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bộ Nội vụ Liban cho biết, những biện pháp mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/8 và sẽ kéo dài trong thời gian 2 tuần. Động thái này được cho là sẽ không ảnh hưởng tới công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ nhân đạo sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8.
Lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờsáng hôm sau. Tất cả các trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa và các nhà hàng hạn chế giao hàng và giảm bớt thời gian hoạt động. Ngoài ra, việc tụ tập đông người cũng sẽ bị cấm. Sân bay sẽ hoạt động bình thường và các bộ sẽ bố trí nhân sự làm việc với số lượng bằng một nửa so với thời điểm bình thường.
Trong khi đó, các khu vực bị ảnh hưởng do vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 sẽ được miễn áp dụng các biện pháp hạn chế nêu trên khi các nỗ lực dọn dẹp và khắc phục hậu quả sau vụ nổ vẫn đang tiếp tục được triển khai ở khắp các khu vực xung quanh cảng Beirut.
Trong cuộc họp báo trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hơn 50% bệnh viện và cơ sở y tế ở Beirut đã ngừng hoạt động do các vụ nổ kinh hoàng ở bến cảng. Richard Brennan, quyền Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của khu vực thuộc Văn phòng Đông Địa Trung Hải của WHO đặt tại Cairo (Ai Cập), cho biết: “Sau khi đánh giá 55 bệnh viện và trung tâm y tế ở thủ đô của Liban, chúng tôi hiện biết rằng hơn 50% trong số đó không còn hoạt động.”
[Vụ nổ Beirut - Đòn giáng chí mạng khiến kinh tế Liban bên bờ sụp đổ]
Theo ông Brennan, 3 bệnh viện lớn ở Beirut đã đóng cửa hoàn toàn và 3 cơ sở khác đang hoạt động dưới công suất. Ông Brennan cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc không tuân thủ đúng các quy trình đảm bảo an toàn trong bệnh viện, điều này có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của COVID-19.
Bên cạnh đó, Liban hiện đang đối mặt với “bóng ma” của nạn đói sau vụ phá sản xảy ra trước đó và cảng Beirut bị phá hủy trong các vụ nổ mới đây, trong đó có cả hầm chứa, vốn là nơi tích trữ nguồn cung cấp lúa mì quan trọng.
Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho ở cảng Beirut tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5, đã khiến 172 người thiệt mạng, ít nhất 6.500 người bị thương và hiện còn khoảng 30-40 người mất tích.
Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa. Nhà chức trách Liban ước tính thiệt hại lên tới 15 tỷ USD. Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là những nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.
Trong bản đánh giá mới nhất công bố cùng ngày, Liên hợp quốc cho hay con số thiệt hại sau vụ nổ tại cảng Beiruit tiếp tục tăng. Theo người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Stephane Dujarric, vụ nổ đã khiến 70.000 người rơi vào cảnh thất nghiệp, theo đó tổng số người không có việc làm tại Liban lên tới 290.000 người.
Con số này không gồm những người mất việc do COVID-19. Báo cáo nêu thêm ít nhất 2.000 bác sỹ bị thương hoặc cơ sở khám chữa bệnh của họ bị phá hủy.
Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục gửi viện trợ cho Liban. Theo kênh truyền hình địa phương LBCI, Iraq đã điều một máy bay chở thực phẩm đến Liban, trong khi 2 máy bay quân sự của Ai Cập mang theo thực phẩm và thiết bị y tế đã tới để hỗ trợ khẩn cấp.
Đây là đợt cứu trợ thứ sáu của Ai Cập đối với Liban. Các nước khác như Hy Lạp, Pháp và Ireland cũng gửi thiết bị y tế, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ Liban.
Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Liban, ông Jan Kubis cũng cho biết sau vụ nổ ở cảng Beirut, quan chức các nước phương Tây đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn về yêu cầu cải cách ở Liban, song những phản ứng của giới lãnh đạo nước này thường "khá là thất vọng."
Các quan chức trên đại diện cho Nhóm Hỗ trợ Quốc tế (ISG) dành cho Liban, gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Pháp và Anh. Đoạn tweet của ông Kubis viết: "Những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế được nhiều người biết đến - nếu không có những cải cách cấp bách, đòi hỏi sự ủng hộ chính trị rộng rãi thì Liban không thể trông chờ vào bất kỳ gói cứu trợ nào."
Tuyên bố của quan chức Liên hợp quốc được xem là sự hưởng ứng những lời kêu gọi của lãnh đạo các cường quốc phương Tây, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị David Hale.
Cả hai nhà lãnh đạo này đều đã tới thăm Beirut. Ông David Hale cho biết Liban sẽ chỉ nhận được hỗ trợ tài chính khi lãnh đạo nước này tiến hành cải cách, đồng thời hối thúc Beirut đáp ứng yêu cầu của người dân về cải thiện năng lực điều hành đất nước và đẩy lùi nạn tham nhũng.
Phát biểu khi kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Beirut, ông David Hale nói: "Khi chúng tôi nhìn thấy các nhà lãnh đạo Liban đã cam kết thay đổi thực sự, thay đổi trong lời nói và hành động, Mỹ và các đối tác quốc tế sẽ đáp lại những cải cách mang tính hệ thống bằng sự ủng hộ tài chính liên tục."
Ông Hale cũng nói thêm rằng chính quyền Mỹ sẵn sàng phối hợp với Quốc hội Mỹ để cam kết bổ sung tới 30 triệu USD nhằm cho phép các chuyến hàng ngũ cốc tới cảng Beirut một cách khẩn cấp và tạm thời.
Trong khi đó, các động thái đang diễn ra để thành lập một chính phủ mới của Liban nhằm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay mà nước này đang đứng trước hai lựa chọn quan trọng nhất.
Một chính phủ đoàn kết dân tộc, bao gồm tất cả các lực lượng chính trị ở Liban, có thể sẽ tiếp tục áp dụng hệ thống chính trị theo kiểu bè phái vốn đã tàn phá đất nước này trong những năm gần đây và không chắc rằng những người biểu tình mà đã xuống đường biểu tình trong suốt năm qua nhằm phản đối hệ thống này sẽ chấp nhận.
Lựa chọn thứ hai, ít có khả năng hơn, sẽ là một chính phủ cứu quốc lâm thời bỏ qua giới tinh hoa chính trị hiện tại và xây dựng nền tảng mới cho các cuộc bầu cử trong tương lai.
Phương án này có thể nhận được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn có ý nghĩa rất quan trọng nếu Liban nhận được hỗ trợ tài chính khẩn cấp mà họ cần.
Pháp ủng hộ lựa chọn thứ nhất, theo đó sẽ yêu cầu ông Saad Al-Hariri, con trai của vị cựu Thủ tướng bị ám sát Rafik Al-Hariri, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, ngoại trừ cựu bộ trưởng Gebran Bassil, người đã chống lại nhiều người trong phe đối lập.
Tuy nhiên, Washington đã gợi ý rằng Nawaf Salam, một đại sứ và thẩm phán từng là đại diện thường trực của Liban tại LHQ và thẩm phán Liban tại tòa án quốc tế điều tra vụ ám sát ông Al-Hariri, nên thành lập một chính phủ mới.
Ông Salam cũng được Saudi Arabia hậu thuẫn và ông có thể thành lập một chính phủ độc lập gồm các nhà kỹ trị mà không bao gồm nhóm Hezbollah theo dòng Hồi giáo Shi’ite hay Phong trào Yêu nước Tự do.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Liban, thành phần chính xác của bất kỳ chính phủ mới nào đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự khi các cuộc biểu tình lật đổ hai chính phủ trong năm qua đang tiếp tục. Nhiều nhà hoạt động có ý định tiếp tục xuống đường cho đến khi có thay đổi thực sự.
Một vấn đề tiềm ẩn khác đang chờ Liban là kết quả và hậu quả của phiên tòa xét xử những kẻ được cho là đã ám sát ông Al-Hariri, trong đó có cả các thành viên của phong trào Hồi giáo Hezbollah. Nếu họ bị kết tội ám sát, điều này có thể làm căng thẳng leo thang hơn nữa. Tòa án đã trì hoãn đưa ra các phán quyết dự kiến vào ngày 7/8 do các vụ nổ ở Beirut và Phong trào Tương lai đã không xây dựng một chiến dịch để ứng phó trước vụ việc này.
Các nhà lãnh đạo của họ đã không xuất hiện trên truyền hình, và có thông tin cho rằng phong trào này không có kế hoạch xuống đường. Tòa án này đã tiêu tốn hơn 600 triệu USD kể từ khi được thành lập và tranh cãi về việc này dự kiến sẽ trở nên sâu sắc hơn sau khi các phán quyết được ban hành dưới bóng dáng của một chính phủ Liban bị nhiều người ở Liban phản đối./.