Liban: Người biểu tình đụng độ cảnh sát, 70 người bị thương

Những người biểu tình đã tìm cách xông vào tòa nhà quốc hội bằng cách ném đá vào lực lượng an ninh khiến lực lượng này phải sử dụng vòi rồng để ngăn chặn.
Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Beirut, Liban ngày 18/1/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kênh truyền hình LBCI của Liban đưa tin các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động ở nước này tiếp diễn tại thủ đô Beirut tối 19/1 đã khiến 70 người bị thương.

Theo nguồn tin trên, những người biểu tình đã tìm cách xông vào tòa nhà quốc hội bằng cách ném đá vào lực lượng an ninh khiến lực lượng này phải sử dụng vòi rồng để ngăn chặn.

Đụng độ đã khiến 70 người bị thương, trong đó 30 người đã được Hội Chữ thập Đỏ Liban (LRC) đưa đến bệnh viện gần đó.

Tổng thống Liban Michel Aoun đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn cấp với các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và giới chức các cơ quan an ninh trong ngày 20/1 để thảo luận về những diễn biến mới nhất của vụ việc.

[Liban bắt giữ hơn 100 người trong các cuộc biểu tình bạo lực]

Đụng độ đã bùng phát từ ngày 18/1, trong bối cảnh người biểu tình tức giận vì cho rằng giới cầm quyền không có các biện pháp hiệu quả cứu vãn nền kinh tế đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo LRC, 169 người đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát trong ngày 18/1.

Làn sóng biểu tình rầm rộ đã bùng phát trên cả nước Liban cách đây 3 tháng, xuất phát từ phản đối tham nhũng sau chuyển sang bày tỏ phẫn nộ vì khủng hoảng kinh tế và tài chính.

Làn sóng biểu tình đã dẫn tới việc Thủ tướng Saad Hariri từ chức, song đến nay một chính phủ mới vẫn chưa được thành lập ở Liban.

Sau thời gian tìm kiếm một ứng cử viên phù hợp, cựu Bộ trưởng Thông tin Hassan Diab đã được bổ nhiệm và được giao nhiệm vụ lập nội các mới.

Người biểu tình yêu cầu một chính phủ gồm các nhà kỹ trị và phản đối tân Thủ tướng Diab, cho rằng việc bổ nhiệm này sẽ khôi phục quyền lực cho các đảng chính trị trước đó.

Khủng hoảng chính trị xảy ra trong bối cảnh Liban rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng, với nợ công hơn 86 tỷ USD.

Trong những tháng qua, nước này trong tình trạng khan hiếm đồng USD do suy thoái kinh tế và nguồn tiền mặt sụt giảm do kiều hối giảm, làm giảm dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng tại Liban đã phải quy định hạn mức rút tiền tiết kiệm, gây lo ngại cho người gửi tiền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục