Liban bất ngờ có tới 2 múi giờ do quyết định chậm trễ của chính phủ

Quyết định trì hoãn đổi sang giờ mùa Hè của Chính phủ Liban khiến nhiều cơ quan, tổ chức và người dân nước này chia làm 2 phe và buộc phải sắp xếp lịch làm việc và học tập ở các múi giờ khác nhau.
Liban bất ngờ có tới 2 múi giờ do quyết định chậm trễ của chính phủ ảnh 1Liban đang có hai múi giờ. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Liban tạm quyền Najib Mikati ngày 23/3 thông báo sẽ chỉnh đồng hồ tăng thêm một giờ vào ngày 20/4 thay vì vào Chủ Nhật cuối cùng của tháng Ba như thường lệ ở nước này, châu Âu và các khu vực khác.

Quyết định vào phút cuối của chính phủ Liban về việc trì hoãn việc đổi giờ, thêm một tháng cho đến khi kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, đã dẫn đến sự nhầm lẫn hàng loạt.

Chính phủ Liban không đưa ra bất kỳ lời giải thích chính thức nào cho động thái trên.

Nhiều tổ chức, từ các hãng thông tấn, báo chí cho đến các nhà thờ, đã từ chối tuân theo quyết định trên, gây bối rối cho người dân.

Nhiều người Liban đã phải sắp xếp lịch làm việc và học tập ở các múi giờ khác nhau ở một đất nước chỉ rộng 88km tại điểm rộng nhất.

Quyết định của chính phủ Liban đã tạo ra nhiều tranh cãi. Chính trường Liban mang tính giáo phái rõ rệt, với các ghế trong quốc hội được phân bổ theo tôn giáo.

Trong một số trường hợp, cuộc tranh luận trở nên có tính chất bè phái tôn giáo khi nhiều chính trị gia và tổ chức Cơ đốc giáo, bao gồm nhà thờ lớn nhất Liban là Maronite, đều bác bỏ động thái mới của chính phủ.

Trong khi đó, các tổ chức và đảng phái Hồi giáo vẫn tiếp tục hoạt động theo khung giờ mùa Đông, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ tôn giáo trong nước.

Không có lý do nào được đưa ra cho quyết định mới nhưng trong một đoạn video về cuộc gặp giữa ông Mikati và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, ông Berri đã yêu cầu ông Mikati hoãn việc thực hiện giờ mùa Hè để cho phép người Hồi giáo ăn chay tháng Ramadan sớm hơn một giờ.

[IMF cảnh báo Liban đang trong tình trạng rất nguy hiểm]

Tình hình càng thêm hỗn loạn khi chính phủ vẫn chưa cho biết liệu họ đã thông báo đến các quan chức chịu trách nhiệm đồng bộ hóa thời gian trên điện thoại di động, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác về sự thay đổi hay chưa.

Hai mạng điện thoại di động lớn ở Liban đã nhắn tin cho người dùng, yêu cầu họ thay đổi cài đặt của đồng hồ sang chế độ thủ công thay vì tự động, để thời gian không thay đổi vào lúc nửa đêm (mặc dù trong nhiều trường hợp, thời gian vẫn trôi nhanh hơn 1 tiếng).

Sau khi thông báo hoãn đổi sang giờ mùa Hè, hãng hàng không nhà nước của Liban là Middle East Airlines cho biết thời gian khởi hành của tất cả các chuyến bay sẽ sớm hơn một giờ, tức vẫn bay theo khung giờ mùa Đông thay vì giờ mùa Hè. Việc này sẽ kéo dài cho tới ngày 21/4.

Về lý thuyết, các tổ chức công phải thực hiện theo quyết định của chính phủ, nhưng nhiều tổ chức tư nhân, bao gồm đài truyền hình, trường học và doanh nghiệp, tuyên bố rằng họ sẽ không làm theo quyết định này và chuyển sang giờ mùa Hè.

Hai trong số các kênh tin tức chính của Liban là LBCI và MTV thông báo họ sẽ vẫn đổi theo giờ mùa Hè, trong bối cảnh những lời kêu gọi không tuân theo quyết định của chính phủ ngày càng gia tăng.

Một số cơ quan công quyền cũng từ chối tuân thủ quyết định mới của ông Mikati.

Cụ thể, Bộ trưởng Giáo dục Abbas Halabi tuyên bố vào tối 26/3 rằng quyết định mới không có giá trị pháp lý vì nó chưa được đưa ra trong một cuộc họp của Nội các Liban.

Sự chia rẽ về múi giờ kể trên đã dẫn đến những trò đùa về “giờ Hồi giáo” và “giờ Cơ đốc giáo” trên mạng. Tại một quán càphê ở thủ đô Beirut tối 25/3, phóng viên Reuters đã nghe thấy một khách hàng hỏi người quản lý: “Ngày mai quán của các anh sẽ bắt đầu theo giờ Cơ đốc giáo hay Hồi giáo?”

Các công cụ tìm kiếm khác nhau trên Internet cũng đưa ra các kết quả khác nhau vào sáng sớm ngày 26/3 khi được hỏi về thời gian hiện tại ở Liban.

Trong nhiều trường hợp, sự chia rẽ cũng xuất hiện trong nội bộ các giáo phái. Một số người Hồi giáo cũng phản đối sự thay đổi và chỉ ra rằng việc nhịn ăn phải bắt đầu vào lúc bình minh và kết thúc vào lúc hoàng hôn, bất kể ở múi giờ nào đi nữa.

Nhiều người coi cuộc tranh cãi này như một sự đánh lạc hướng khỏi các vấn đề kinh tế và chính trị nghiêm trọng hơn của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục