Liban bắt đầu dỡ bỏ các container hóa chất nguy hiểm tại cảng Beirut

Các container này chứa axit ăn mòn, được lưu trữ trong khu vực hàng hóa ngoài trời ở cảng Beirut trong hơn 1 thập kỷ qua.
Hiện trường đổ nát sau vụ nổ tại Beirut, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các quan chức ngày 19/11 cho biết Liban đã ký thỏa thuận với một công ty của Đức về việc xử lý 49 container chứa hóa chất dễ cháy ở cảng Beirut, nơi cách đây vài tháng đã xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến hơn 200 người thiệt mạng và ít nhất 6.500 người bị thương.

Công ty Combi Lift của Đức chuyên bốc dỡ và vận chuyển hàng nặng đã bắt đầu bốc dỡ các container nói trên ngay sau khi thỏa thuận được ký kết ngày 11/11 vừa qua.

Các container này chứa axit ăn mòn, được lưu trữ trong khu vực hàng hóa ngoài trời ở cảng Beirut trong hơn 1 thập kỷ qua dưới sự giám sát của hải quan Liban.

[Quân đội Liban tìm thấy 1,3 tấn pháo hoa tại cảng Beirut]

Công ty Combi Lift sẽ vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên trong các container chuyên dụng theo thỏa thuận trị giá 3,6 triệu USD, trong đó cảng Beirut chi 2 triệu USD.

Lãnh đạo cảng Beirut, ông Bassem al-Kaissi cho biết việc dỡ bỏ các container chứa hóa chất độc hại trên là cần thiết vì nếu số hóa chất này bốc cháy "Beirut sẽ bị xóa sổ."

Cùng ngày 19/11, Qatar đã ký một thỏa thuận cung cấp 9,8 triệu USD hỗ trợ Liban xây dựng lại các trường học bị phá hủy do vụ nổ xảy ra vào đầu tháng 8.

Theo trang mạng Elnashra, thỏa thuận do Quỹ Vì sự phát triển của Qatar (QFFD) ký với Bộ Giáo dục Liban.

QFFD sẽ hỗ trợ khôi phục 55 trường học, 20 trung tâm giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật và mỹ thuật, cùng 3 trường đại học ở Liban.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Qatar tại Liban cho biết số tiền trên là một phần trong khoản hỗ trợ 50 triệu USD mà Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani đã cam kết trong hội nghị các nhà tài trợ tại Paris (Pháp) nhằm hỗ trợ tái thiết Beirut sau vụ nổ.

Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 đã tàn phá cảng Beirut và một khu vực lớn ở trung tâm thủ đô Liban.

Vụ nổ khiến hơn 200 người thiệt mạng và ít nhất 6.500 người bị thương, là một trong những vụ nổ không liên quan tới hạt nhân lớn nhất trong lịch sử.

Các nhà chức trách xác định thảm họa xuất phát từ kho lưu trữ 2.750 tấn amonium nitrate tồn tại từ lâu ở cảng Beirut và trong tình trạng bảo quản rất kém./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục