LHQ yêu cầu chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền yêu cầu các chính phủ có biện pháp trừng phạt tội phạm bạo lực gia đình đang tồn tại ở nhiều nước.
Ngày 4/3, trong tuyên bố hướng đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay cho rằng tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ, bao gồm cả các hình thức khác nhau của bạo lực gia đình, vẫn tồn tại ở nhiều nước và yêu cầu chính phủ cần có các biện pháp trừng phạt hình thức tội phạm này.

Trong tuyên bố của mình, bà Navi Pillay cho rằng thực tế hiện nay là các cơ quan nhà nước thường bỏ quên các nạn nhân bạo lực gia đình và đa số thủ phạm đã không bị trừng phạt vì hành vi bạo lực gia đình - một hành vi tội phạm và sẽ bị trừng phạt nếu thực hiện với người lạ.

Bà cũng cho rằng mặc dù vẫn có những tranh luận xung quanh trách nhiệm của nhà nước đối với các hành động được thực hiện phạm vi cá nhân, nhưng theo luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế thì rõ ràng nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền của phụ nữ, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, bao gồm cả việc ngăn chặn, bảo vệ và bồi thường bất kể giới tính hay vị trí của người đó trong gia đình.

Ước tính có tới 1/3 số phụ nữ trên khắp thế giới đã bị đánh, hiếp dâm hay lạm dụng trong cuộc đời của họ. Tình trạng bạo lực phổ biến nhất lại đến từ chính gia đình họ và hình thức nghiêm trọng nhất là "giết chết vì danh dự".

Với lý do bảo vệ "danh dự" của gia đình, mỗi năm có gần 5.000 phụ nữ và bé gái bị bắn, ném đá, thiêu, chôn sống, treo cổ hay đâm cho đến chết.

Bà Navi Pillay cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là việc ở nhiều nước, hệ thống pháp luật không coi các hành động này là tội phạm và có biện pháp trừng phạt. Người thực hiện hành vi trên thậm chí còn được tôn vinh, trao cho các vị trí đặc biệt trong cộng đồng của họ.

Cùng ngày, Quỹ phát triển vì phụ nữ của Liên hợp quốc (UNIFEM) đã thành lập Trung tâm tri thức toàn cầu nhằm chấm dứt tình trọng bạo lực đối với phụ nữ và bé gái.

Trung tâm này sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách và chương trình nhằm xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục