LHQ và ISESCO lên án phiến quân Houthi tấn công Saudi Arabia

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kịch liệt lên án các vụ tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi của Yemen nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó có cả thủ đô Riyadh.
Một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa do phiến quân Houthi tại Yemen thực hiện nhằm vào sân bay quốc tế ở Riyadh, Saudi Arabia. (Nguồn: Vanguard/TTXVN)

Ngày 26/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kịch liệt lên án các vụ tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi của Yemen nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó có cả thủ đô Riyadh, hôm 25/3.

Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký, ông Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký hối thúc tất cả các bên tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ dân thường và hạ tầng cơ sở dân sự trước các cuộc tấn công.

Tổng Thư ký cũng kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh leo thang quân sự không phải là giải pháp. Một giải pháp chính trị thông qua đàm phán với đầy đủ mọi thành phần xã hội Yemen tham gia là cách duy nhất để chấm dứt xung đột và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.

Cùng ngày, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Hồi giáo (ISESCO) cũng ra tuyên bố kịch liệt lên án vụ tấn công tên lửa trên là "hành động khủng bố và tội ác chống lại loài người, nhằm gây thiệt hại nghiêm trọng trong các khu vực đông dân cư."

ISESCO tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Saudi Arabia đối phó với "khủng bố và các phần tử ủng hộ khủng bố," đồng thời kêu gọi các thành viên ISESCO lên án hành động này và có "một quan điểm cứng rắn đối với những đối tượng cung cấp tên lửa, các hỗ trợ vật chất cũng như kinh nghiệm quân sự cho các tay súng khủng bố."

Ngày 26/3 đánh dấu tròn 3 năm kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến Yemen, với việc các lực lượng Houthi trung thành với cố Tổng thống Ali Abdullah Saleh giao tranh với các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Mansur Hadi.

Tối 25/3, Houthi đã phóng 7 quả tên lửa đạn đạo tầm xa nhằm vào 4 sân bay của Saudi Arabia gồm: sân bay quốc tế Quốc vương Khaled ở phía Bắc thủ đô Riyadh; sân bay quốc tế Abha tại tỉnh Asir ở Tây Nam; sân bay quốc tế tại tỉnh Jizan miền Nam và sân bay khu vực tại tỉnh Najran ở Đông Nam.

Tuyên bố của Houthi nêu rõ các cuộc tấn công được thực hiện theo lệnh của thủ lĩnh Abdul-Malik al-Houthi, nhằm "trả thù liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã sử dụng tất cả các loại vũ khí trong cuộc chiến chống nhân dân Yemen."

[Phiến quân Houthi tấn công nhiều sân bay ở Saudi Arabia]

Ngoài ra, nhóm này cũng cho biết đã tấn công bằng tên lửa vào nhiều mục tiêu đông dân cư khác, song không nêu cụ thể. Thông tin sơ bộ cho biết ít nhất 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương trong các vụ tấn công này.

Trong một diễn biến liên quan ngày 26/3, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã cáo buộc Iran đứng sau một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa nói trên, đồng thời đe dọa trả đũa.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn của liên quân Arab, ông Turki al-Malki nói: "Chúng tôi bảo lưu quyền đáp trả Iran vào thời điểm và địa điểm thích hợp."

Trong khi đó, kênh truyền hình địa phương Al Arabiya đưa tin liên quân Arab đã tiết lộ bằng chứng về vai trò của Iran trong hoạt động buôn lậu vũ khí tới Yemen.

Ông al-Malki cho biết một tên lửa do Iran chế tạo với những dòng chữ tiếng Ba Tư đã bị thu giữ tại Yemen. Ngoài ra, một chuyến hàng chở nhiều tên lửa của Iran đã bị tịch thu trước khi chúng được phiến quân Houthi sử dụng.

Hiện Iran chưa phản ứng gì về cáo buộc trên của liên quân Arab. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ lời kêu gọi trước đó của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson rằng "Iran nên ngừng hoạt động chuyển giao vũ khí cho Houthi, vốn sẽ kéo dài cuộc xung đột, đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng trong khu vực và đặt ra nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế."

Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi cáo buộc "Anh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các tội ác chiến tranh trong 3 năm qua tại Yemen khi bán vũ khí và cung cấp hỗ trợ hậu cần và tình báo cho các nước tấn công Yemen."

Từ tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab đã can thiệp cuộc nội chiến ở Yemen để ủng hộ chính quyền của Tổng thống lưu vong Hadi được quốc tế ủng hộ. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, trong đó đa số là dân thường, và đẩy quốc gia Arab này vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo.

Liên hợp quốc đang kêu gọi viện trợ khẩn cấp 350 triệu USD cho các dự án nhân đạo tại Yemen. Nhiều vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ đã được tiến hành, song chưa tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục