Ngày 11/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa lần thứ hai trong vòng một tuần qua.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Liên hợp quốc - ông Stephane Dujarric - cho biết Tổng Thư ký Guterres kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế và trở lại đàm phán với các bên liên quan về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông nhấn mạnh rằng con đường duy nhất để đạt được hòa bình bền vững và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên là thông qua các giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Mona Juul, Trưởng Phái đoàn thường trực Na Uy tại Liên hợp quốc - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1, hiện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa nhận được yêu cầu của các nước ủy viên muốn đưa vấn đề Triều Tiên thử tên lửa ra thảo luận.
Cũng trong ngày 11/1, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích hai vụ phóng tên lửa trong tuần qua của Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EU nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi các hệ thống vũ khí trái với các nghị quyết của Liên hợp quốc gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế và đi ngược lại các nỗ lực quốc tế nhằm nối lại đối thoại và hành động để hỗ trợ người dân.
EU kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và kiềm chế mọi hành động để tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và đối thoại.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên xác nhận trong ngày 11/1 đã thực hiện thành công vụ bắn thử cuối cùng một loại tên lửa siêu vượt âm mới, sau vụ phóng thử đầu tiên ngày 5/1 vừa qua.
[Triều Tiên xác nhận bắn thử thành công tên lửa siêu vượt âm]
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết vụ bắn thử nhằm mục đích xác định lần cuối cùng các thông số kỹ thuật tổng thể của hệ thống vũ khí siêu vượt âm.
Theo đó, thiết bị bay siêu vượt âm đã thực hiện một số đường bay kỹ thuật và bắn trúng mục tiêu đã định ở vùng biển cách 1.000km.
KCNA khẳng định khả năng cơ động vượt trội của thiết bị bay siêu vượt âm đã được kiểm chứng rõ ràng sau lần bắn thử cuối cùng này.
Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng, bày tỏ "kỳ vọng lớn" rằng các chuyên gia nghiên cứu tên lửa sẽ giúp "tăng cường năng lực răn đe chiến tranh của đất nước với những thành tựu nghiên cứu khoa học cực kỳ hiện đại" của mình.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng một lần nữa nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng tốc hơn nữa nỗ lực nhằm xây dựng vững chắc năng lực quân sự chiến lược của đất nước cả về chất lượng và số lượng."./.