Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Geir Pedersen ngày 30/9 đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng "hy vọng đang nhen nhóm đối với những người dân Syria khốn khổ" bởi Ủy ban Hiến pháp đáng tin cậy do người dân Syria làm chủ, người dân Syria lãnh đạo sẽ bắt đầu làm việc cụ thể từ tháng tới.
Ông Pedersen nhấn mạnh rằng Ủy ban Hiến pháp Syria là thỏa thuận chính trị thực chất đầu tiên giữa Chính phủ Syria và các phe đối lập cho nên các thành viên của ủy ban này sẽ đối thoại và đàm phán trực tiếp đồng thời Ủy ban Hiến pháp cũng mở ra cơ hội cho sự hiện diện của các tổ chức dân sự tại đây.
Sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, Tổng Thư ký Antonio Guterres cuối cùng đã tuyên bố vào thứ Hai tuần trước về sự ra mắt của Ủy ban Hiến pháp Syria tại Geneva được Liên hợp quốc ủng hộ và hậu thuẫn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng việc Ủy ban Hiến pháp ra đời, cùng với những bước đi tiếp theo, có thể là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế.
Đặc phái viên Pedersen đã phác thảo cơ cấu của Ủy ban Hiến pháp Syria với số thành viên của chính phủ và phe đối lập là ngang nhau. Cụ thể, Ủy ban gồm 15 thành viên thuộc chính phủ, 15 thành viên phe đối lập và 15 thành viên các tổ chức dân sự chịu trách nhiệm soạn dự thảo hiến pháp sau đó 150 thành viên thuộc ba thành phần nêu trên sẽ thảo luận các dự thảo và có thể thông qua dự thảo với tối thiểu 75% phiếu đồng thuận.
Ông khẳng định chính người Syria là những người thảo Hiến pháp và cũng chính người Syria phải thông qua với tỷ lệ đa số nếu muốn Hiến pháp mới có hiệu lực.
Trước tình trạng khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn ở tỉnh Idlib, những quan ngại về tình hình khủng bố, bạo lực và nỗi thống khổ của những người dân phải tha hương vì xung đột chiến tranh, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Pedersen, thừa nhận thách thức còn nhiều và kêu gọi các bên liên quan hãy nắm lấy cơ hội và có hành động cụ thể nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Ông cho rằng cần phải xây dựng một môi trường an toàn, yên bình và trung lập để những người dân Syria thấy rằng tiến trình hòa giải chính trị có thể giúp tái thiết đất nước và đáp ứng lòng mong mỏi của họ./.